Tham tán thương mại phát huy vai trò cầu nối xuất khẩu

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa thì vai trò của các tham tán thương mại cũng như cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng. Doanh nghiệp trong nước mong chờ sẽ được các cơ quan này hỗ trợ nhiều hơn trong việc tìm thị trường mới và kết nối với doanh nghiệp sở tại.

“Bắt tay” chưa chặt

Đại diện một công ty chuyên xuất khẩu gạo tại đồng bằng sông Cửu Long cho biết, doanh nghiệp (DN) của mình đã từng bị lừa 2.000 tấn gạo, trị giá hơn 1 triệu USD khi xuất khẩu sang thị trường Ghana. Vị này cho biết, khi xuất gạo sang thị trường châu Phi, DN đã chủ động tìm hiểu kĩ thị trường và chọn cách xuất khẩu qua một DN ở nước thứ 3 để tránh rủi ro nhưng cuối cùng vẫn bị lừa.

“Trước khi xuất khẩu, nếu tham tán thương mại giúp hỗ trợ điều tra kỹ DN tại các nước sở tại thì sẽ giúp giảm được rủi ro. Thời gian tới, rất mong các tham tán, cơ quan đại diện Việt Nam hỗ trợ DN quyết liệt hơn, sát cánh cùng DN để khai thác mở rộng các thị trường mới”, đại diện DN gạo kiến nghị.

Đối với mong muốn này, các tham tán, đại sứ cho biết, sẽ nỗ lực, chủ động hơn để đáp ứng nhu cầu thông tin, hỗ trợ của DN. Tuy nhiên, bản thân các DN cũng phải chủ động nắm bắt thị trường, nâng cao trình độ. Ở một số thị trường hiện nay, DN đang quá lệ thuộc vào các thông tin từ tham tán, đôi lúc còn có tâm lý ỉ lại. Có DN còn đề nghị được hỗ trợ thông tin tiếng Việt.

Bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 diễn ra từ ngày 22-26/8 tại Hà Nội, chia sẻ với phóng viên Tin Tức, ông Phạm Mạnh Hải, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver (Canada) chia sẻ: “Từ khi tôi sang đây công tác được khoảng 1 năm, chưa thấy đoàn DN nào sang tìm hiểu môi trường đầu tư. Nghĩa là bản thân DN cũng chưa thực sự quan tâm”.

Ông Hải cho biết thêm, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, các tham tán thương mại sẽ chủ động làm cầu nối cho DN. Để làm tốt vai trò này, đầu tiên, phải thiết lập quan hệ với chính quyền sở tại để có quan hệ chính trị, nắm bắt chính sách chủ trương, sau đó tìm kiếm đối tác, thiết lập quan hệ với DN lớn của bạn. Tiếp theo, phối hợp với DN trong nước để thiết lập quan hệ chính trị, tạo lòng tin giữa hai bên.

Tập trung những thị trường trọng điểm

Theo đại diện các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, tiềm năng để hàng hóa Việt Nam vào các nước là rất lớn do các Hiệp định thương mại tự do đã và đang dần có hiệu lực. Do đó, các DN trong nước cần tận dụng lợi thế này, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các tham tán thương mại để xâm nhập các thị trường tiềm năng.

Thị trường Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là 37 tỷ USD và dự kiến đạt 70 tỷ năm 2020. Nhấn mạnh việc hai nước đã thông qua và thực hiện Hiệp định thương mại tự do song phương Việt - Hàn (VKFTA), Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí cho biết, Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới; hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí…

Ví dụ, riêng về tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và nâng dần trong 5 năm lên mức 15.000 tấn/năm nhưng DN chỉ tận dụng để xuất khẩu được 2.500 tấn/năm. Như vậy nghĩa là các DN vẫn chưa tận dụng được hết lợi thế để xuất khẩu.

Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị cho rằng DN Việt Nam cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Hiện nay hai nước đang là thành viên của Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với Australia và New Zealand. Hiện nay, hầu hết hàng hóa của Việt Nam sang Australia cũng như hàng hóa của Australia sang Việt Nam đều được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, DN cần lưu ý về việc một số rào cản kỹ thuật từ phía Australia như vấn đề kiểm dịch khắt khe, vệ sinh an toàn thực phẩm và những vấn đề khác.

“Quan trọng là hàng hóa trong nước phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của phía Australia. Trên thực tế, trước những yêu cầu này, các cơ quan trong nước, người nông dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học cần thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp để từ đó Việt Nam có thể sản xuất được hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của Australia”, Đại sứ Lương Thanh Nghị đề nghị.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh: “Các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tìm kiếm xem mình có lợi thế gì để giới thiệu cho các cơ quan đại diện ngoại giao, qua đó, cùng phối hợp tìm đối tác để tìm cách thúc đẩy những mặt hàng đó. Nếu tiếp thị kinh tế đối ngoại vẫn còn nói chung chung mà không nói cụ thể từng mặt mạnh, từng lĩnh vực của DN thì sẽ khó tận dụng được cơ hội của hội nhập. Do vậy, giữa các nhà đối ngoại, hoạch định chính sách, các DN cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa”.


Hoàng Dương - TTN
Các tham tán thương mại thăm nhà máy của Vinamilk
Các tham tán thương mại thăm nhà máy của Vinamilk

Ngày 23/2/2016, Vinamilk đã đón đoàn 73 tham tán thương mại, công sứ Việt Nam tại các nước đến thăm siêu nhà máy sữa Việt Nam của Vinamilk tại Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN