Với thông điệp "Vì cuộc sống của chúng ta và thế hệ mai sau, hãy chung tay bảo vệ môi trường, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên", ngay sau buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã tham gia thả 1 triệu con tôm sú giống, 3.000 con cá chẽm giống xuống sông Nhật Lệ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, ngư dân trong bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển ngày càng bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Xuân Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Thời gian qua, nhiều chủ trương, định hướng, chiến lược đã được các cấp ủy, chính quyền, ngư dân trên địa bàn cụ thể hóa thành hiện thực, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển. Năm 2023, ngành thuỷ sản Quảng Bình chiếm tỷ trọng gần 33% trong khu vực nông nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 28 nghìn lao động trong độ tuổi.
Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định, hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng. Đây là một trong những biện pháp, hoạt động ý nghĩa, góp phần phục hồi, tái tạo lại quần đàn các loại thủy sản đang bị suy giảm, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên, tạo sinh kế cho ngư dân, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới tất cả các tầng lớp nhân dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Hoàng Xuân Tân kêu gọi người dân chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp cấp bách chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU). Từ đó, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để ngành thủy sản phát triển ngày càng bền vững. Cùng đó, động viên ngư dân bám biển hoạt động, khai thác thủy sản tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; thực hiện tốt công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, nhất là vùng ven bờ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình và địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, vận động tăng ni, phật tử, người dân phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các ngày lễ; trong đó, chú trọng phóng sinh những loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế, khoa học, thủy sản bản địa, đặc hữu vào vùng nước tự nhiên. Việc phóng sinh phải đúng kỹ thuật, bảo vệ môi trường và có biện pháp bảo vệ để nâng cao tỷ lệ sống của sinh vật được phóng sinh...