Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các địa phương trong vùng Tây Bắc tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại.
Khuyến khích thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi và tổ chức chăn nuôi theo chuỗi ở Tây Bắc. Ảnh: Huỳnh Thế Anh (TTXVN) |
Khuyến khích thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi và tổ chức chăn nuôi theo chuỗi, những vùng có giống bản địa cần xây dựng thương hiệu. Áp dụng các mô hình chăn nuôi theo quy trình thực hành chăn nuôi VietGAP. Hình thành các khu vực, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với quy hoạch chung của vùng.
Đồng thời tăng cường công tác thú y, trong đó coi trọng đội ngũ cán bộ thú y cơ sở. Có cơ chế và chế tài phù hợp để đảm bảo 100% số lượng trâu, bò được tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm và kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng giống. Lai tạo và đưa các giống có chất lượng cao và hiệu quả kinh tế vào sản xuất. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về chuồng trại nhằm giảm chi phí; tổ chức quảng bá, giới thiệu, trao đổi mua bán sản phẩm chăn nuôi thông qua các hội chợ, đưa các sản phẩm chăn nuôi giới thiệu tại các siêu thị, nhà hàng, khu du lịch…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, cơ quan liên quan và các tỉnh vùng Tây Bắc nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi vùng Tây Bắc, giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong đó, có cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, các hình thức huy động vốn…phù hợp đủ mạnh để thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hộ gia đình… tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại các cơ chế, chính sách về chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh phương án quy hoạch chăn nuôi trên địa bàn. Nghiên cứu triển khai xây dựng một số trung tâm quy mô cấp vùng về giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi; sản xuất và cung cấp, đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và chế biến thức ăn cho các địa phương.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ cho chăn nuôi; tập trung vào công nghệ giống, thú y, thức ăn chăn nuôi.
Vùng Tây Bắc là địa bàn cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; điều kiện tự nhiên phức tạp, nhưng lại là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế, đặc biệt là tiềm năng, lợi thế về đất đai, tính đa dạng sinh học để phát triển chăn nuôi. Các tỉnh vùng Tây Bắc đã tập trung nguồn lực cùng với những cơ chế đặc thù để phát triển chăn nuôi.
Tuy nhiên, chăn nuôi vùng Tây Bắc vẫn chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Phương thức chăn nuôi ở nhiều vùng dân tộc còn lạc hậu, nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu là tự cung, tự cấp chưa coi là hàng hóa; người chăn nuôi chưa chủ động được nguồn thức ăn, chưa tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, còn sử dụng giống kém chất lượng; việc cung cấp con giống có chất lượng cho người dân còn hạn chế...