Tuyên chiến tàu “3 không”
Bình Định là một trong những địa phương quyết liệt tuyên chiến với hiện tượng tàu cá “3 không” (bao gồm chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa có giấy phép khai thác thủy sản).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, cái khó của tỉnh hiện nay là toàn tỉnh có tới có 217 tàu được xếp vào dạng có nguy cơ cao về vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây đều là các tàu cá từ 12 - dưới 15 m, thuộc loại không quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và chủ yếu neo đậu ở các tỉnh phía Nam.
Tỉnh đã yêu cầu 217 tàu này phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng hiện mới có 25 tàu lắp. Đối với các tàu còn lại chưa lắp, tỉnh sẽ thu hồi giấy phép và thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho ngư dân trong thời gian lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; đồng thời, yêu cầu các địa phương làm việc với các chủ tàu, tàu nào lắp đặt thiết bị xong mới được cấp giấy phép khai thác.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc vi phạm IUU thời gian qua chủ yếu từ các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài hoạt động đánh bắt và xuất nhập bến ngoài tỉnh, nhiều năm không về địa phương. Hầu hết chủ tàu không trực tiếp tham gia khai thác mà thuê mướn thuyền trưởng điều khiển, tự tổ chức đánh bắt. Vì vậy, để có thu nhập cao, các thuyền trưởng cố tình xâm phạm lãnh hải các nước để khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã chủ trì phối hợp với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện Phù Mỹ, Phù Cát thống nhất giải pháp xử lý các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trong thời gian tới. Cơ chế thực hiện theo trình tự Chi cục Thủy sản theo dõi, quản lý hoạt động giám sát hành trình, phát hiện thông báo cho địa phương, các đồn, trạm Biên phòng trong tỉnh (dưới 6 giờ). Cơ quan nào phát hiện đầu tiên sẽ lập hồ sơ xử lý, vượt thẩm quyền chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Còn tại vùng biển phía Nam, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang... cũng thực hiện các biện pháp xử lý dứt điểm các tàu cá mất kết nối ngoài khơi. Theo số liệu thống kê, tổng hợp của cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 5/7 - 1/8 có 1.549 tàu cá với 10.371 lượt mất kết nối thiết bị giám sát hành trình quá 6 giờ đến dưới 10 ngày trên biển. Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố lập danh sách tàu mất kết nối để xác minh, xử lý nghiêm khi vào bờ. Ngoài ra, Biên phòng tỉnh cũng đang kiểm soát chặt không cho ra khơi xuất bến đối với 658 tàu từ 15 m hoạt động ngoài khơi không đủ điều kiện và 1.140 tàu “3 không”.
Tại Kiên Giang, theo khuyến nghị của EC đối với quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, tỉnh có 8.218 tàu cá đã đăng ký; trong đó, tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên là 3.625 tàu. Tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 3.604 tàu, chiếm 99,42% trong tổng số tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn lại 21 tàu cá nằm bờ chưa lắp giám sát hành trình đã được đánh dấu và theo dõi trên bản đồ Google Map.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang tập trung xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm khai thác IUU, tăng cường tuần tra trên biển; bố trí đủ nguồn lực về nhân sự, kinh phí và trang thiết bị… để triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) đồng bộ, nhằm đảm bảo thực hiện tiếp nhận yêu cầu ra vào cảng, thu nộp nhật ký khai thác, thu mua, chuyển tải thủy sản; giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng đối với 100% tàu tại cảng. Sở cũng lập danh sách các đối tượng nguy cơ cao và giao cho cơ quan chức năng theo dõi; đảm bảo 100% tàu cá đủ điều kiện hoạt động được đánh dấu nhận biết, viết số đăng ký tàu cá theo đúng quy định.
Ngoài ra, Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan và UBND các huyện, thành phố lập danh sách các đối tượng nguy cơ cao như có dấu hiệu thực hiện môi giới, đưa tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, chủ tàu/thuyền trưởng/thuyền viên đã từng hoặc có động cơ vi phạm vùng biển nước ngoài… để phối hợp với các lực lượng chấp hành trên biển giám sát thường xuyên, nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa hành vi đưa tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
Giúp ngư dân bám biển
Khi chính quyền địa phương còn đang tích cực gỡ khó cho tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản), hàng nghìn ngư dân Bình Thuận đã kịp thích nghi với những thay đổi mới trong nghề cá bằng việc tham gia thực hiện “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thời gian tới, ngành thủy sản tỉnh sẽ giảm mạnh phương tiện khai thác thủy sản vùng ven bờ, góp phần giải quyết bài toán chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi trồng trên biển mang tính bền vững hơn. Nuôi trồng trên biển cũng chính là cơ hội lớn để phục hồi hệ sinh thái đang ngày bị cạn kiệt bởi khai thác quá mức của con người.
Cùng cả nước thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024, nhiều địa phương có những khởi sắc trong việc thực hiện cấu trúc lại nghề cá theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có bờ biển nối liền, trải dài gần 150 km, có hàng nghìn ha bãi bồi và vùng thềm lục địa rộng lớn. Đó là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển, tạo sinh kế phù hợp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho ngư dân.
Mặc dù có duy nhất một huyện ven biển là Kim Sơn, song những năm qua tỉnh Ninh Bình đã tận dụng tối đa lợi thế này để phát triển nuôi trồng thủy sản, đem lại thu nhập cao cho người dân. Với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 5.000 ha (trong đó có tới 4.000 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ), huyện Kim Sơn xác định nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ vùng bãi bồi ven biển là trọng tâm phát triển.
Tại Thái Bình, với bờ biển dài trên 52 km, Thái Bình có nguồn hải sản khá dồi dào, trữ lượng ước tính khoảng 26.000 tấn, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản khoảng trên 18.000 tấn/năm. Ngoài ra, các khu vực cửa sông và ven bờ có khả năng lớn về nuôi trồng thủy sản như tôm, cua, sò, nghêu... Hiện, trên địa bàn đã quai vùng đê bao khoảng 4.000 ha đầm mặn, lợ để nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi trồng hữu hiệu khoảng 3.287 ha.
Định hướng phát nuôi trồng thủy sản của Thái Bình thực hiện theo nhiều hình thức, đa dạng hóa chủng loại với các đối tượng nước mặn, lợ, ngọt có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội của từng vùng trong tỉnh, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung. Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, tỉnh xác định điều chỉnh lại cơ cấu tàu cá theo nhóm nghề và nhóm công suất phù hợp, giảm nhanh khai thác ven bờm, tăng dần khai thác vùng lộng và vùng khơi.
Với 72 km bờ biển, tỉnh Nam Định cũng xác định việc cơ cấu lại ngành nuôi trồng, khai thác thủy sản là hướng đi tất yếu nhằm phát huy lợi thế, hướng đến phát triển bền vững. Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã thành lập được 22 tổ, đội hợp tác khai thác thủy sản. Cơ cấu nghề khai thác chuyển đổi theo hướng phát triển các nghề có tính chọn lọc cao, ít gây hại cho môi trường và nguồn lợi thủy sản như nghề lưới vây, nghề câu, nghề rê…
Tại cuộc làm việc với Trung tâm giám sát tàu cá, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tháng 8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Thời gian còn lại khi đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam không còn nhiều, để Việt Nam gỡ được “thẻ vàng” IUU, các đơn vị chức năng, địa phương liên quan phải giải quyết được tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS).