BẢO ĐẢM LỢI ÍCH CỦA SỐ ĐÔNG NGƯỜI TIÊU DÙNG
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Phải có trách nhiệm với 14% hộ nghèo
Dù tính giá điện theo phương thức nào thì cũng phải dựa trên Luật Điện lực năm 2013, đảm bảo sự công bằng, đảm bảo sự tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia. Điều đó có nghĩa là Nhà nước nước sẽ tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia để khởi nghiệp hoặc đảm bảo cuộc sống. Đó là nguyên tắc tối thiểu và trong đó, phải ưu tiên số đông, những người đang thuộc diện nghèo và cận nghèo vì hiện đang có khoảng hơn 60% tổng số hộ đang sử dụng điện dưới 150 kWh/tháng. Hiện nay, Nhà nước đã có hỗ trợ 50 kWh đầu tiên cho số hộ nghèo và cận nghèo, gia đình chính sách.
Tư tưởng Luật Điện lực là phải đảm bảo công bằng cho những người sử dụng điện, đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia. Như vậy, tất cả các quy định mới cho giá điện bậc thang lũy tiến đều phải đáp ứng được, tuân thủ được Luật Điện lực 2013. Không có một phương án điện hài hòa cho tất cả 21 triệu hộ sử dụng điện trong cả nước mà nó sẽ đáp ứng theo từng thời kỳ của đất nước và sử dụng điện phải tránh ảnh hưởng đến 60% số hộ sử dụng điện ở mức trung bình. Trong điều kiện của Việt Nam không thể đồng nhất một giá điện vì phải đảm bảo sự bình đẳng trong sử dụng điện. Tỷ lệ hộ nghèo Việt Nam trước đây là 54% nhưng nay còn 14%. Vì vậy, cần có trách nhiệm với 14% hộ nghèo đó. Vì vậy, đối với việc tính giá điện thì quan trọng là đảm bảo chính sách an sinh xã hội.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia giá cả: Cần có sự minh bạch của ngành điện
Việc xây dựng giá điện sao cho phải đảm bảo hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp, Nhà nước, người tiêu dùng. Trong bối cảnh phân tầng thu nhập giàu, nghèo lớn thì ngành điện cần có chiến lược giá bậc thang và lũy tiến để phân khúc sao cho người có thu nhập ra sao dùng bậc đó nhằm bảo đảm cho người có thu nhập thấp và đối tượng chính sách vẫn được hỗ trợ chi trả giá điện hợp lý và khuyến khích tiết kiệm điện. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng điện trong những năm qua đã thay đổi nên cần có giãn bậc hơn, như có thể các bậc cách nhau 150 kWh, bậc cao nhất nên là 600 kWh thay vì 400 kWh. Phương án thu gọn bậc thang từ 6 bậc xuống còn 3 - 4 bậc cũng là cách tương đối hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, điều quan trọng khác mà người tiêu dùng đòi hỏi là sự minh bạch của ngành điện để người tiêu dùng không phải chịu cảnh ấm ức trả tiền vì sự thiếu minh bạch.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: Quản lý hiệu quả và minh bạch
Người tiêu dùng vẫn suy nghĩ EVN kinh doanh ngoài ngành, thất thoát nhưng lại đưa vào giá điện. Đó là suy nghĩ thực tế hiện nay và rất khó thay đổi. Vì vậy, câu chuyện đặt ra là bên cạnh cách thay đổi biểu giá thì EVN phải làm sao quản lý hiệu quả và minh bạch hơn nữa hoạt động của mình, đồng thời, giảm thấp nhất những chi phí không cần thiết có thể tính vào giá điện. Nếu EVN không thể rõ ràng trong các khâu chi phí sản xuất cũng như nâng cao hiệu quả năng suất lao động, sắp xếp lại bộ máy đang cồng kềnh, đổi mới kinh doanh, giải quyết triệt để hậu quả việc đầu tư ngoài ngành, giảm tổn thất điện năng... thì “điệp khúc” tăng giá điện sẽ chưa có hồi kết và sự minh bạch của giá điện vẫn chỉ là hy vọng. Người tiêu dùng không đòi giá thấp mà họ đòi hỏi sự công bằng, minh bạch, trả giá cho sản phẩm mua một cách thỏa đáng.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh: Xem xét mức độ lũy tiến cho hợp lý
Nhu cầu sử dụng điện đã thay đổi theo hướng người nghèo giờ có thể sử dụng thêm tủ lạnh hay vài cái quạt. Các hộ khá hơn đã có thể dùng bếp từ. Một câu hỏi lớn đặt ra mà EVN vẫn chưa giải đáp rõ là vì sao vẫn duy trì mốc 400kWh trở lên là mốc bậc tháng chịu giá đắt nhất trong 8 năm qua. Vì sao giá bậc cuối cùng này lại là 2.587 đồng/kWh, đắt hơn 48% so với giá điện sinh hoạt trung bình mà EVN công bố chỉ là1.747 đồng/kWh. Theo tính toán, giá điện sinh hoạt trung bình như trên cũng chỉ đúng với trường hợp dùng khoảng 240 kWh. Nếu dùng 300 kWh, giá điện trung bình người dân phải trả là 1.845,5 đồng/kWh, cao hơn đáng kể giá bình quân chung. EVN phải xem xét mức độ luỹ tiến cho hợp lý, đảm bảo lợi ích thoả đáng của người dân chứ không nên chỉ tích đến lợi ích đảm bảo đủ doanh thu của mình.