Rủi ro từ trồng rừng gỗ lớn manh mún
Vào mùa mưa bão hàng năm, người trồng rừng ở các tỉnh, thành Trung Trung Bộ luôn canh cánh nỗi lo cây rừng bị gãy đổ. Còn nhớ cơn bão số 10 đổ bộ vào tỉnh Quảng Trị hồi giữa tháng 9/2017 đã làm gần 3.400 ha rừng gãy đổ; trong đó, có nhiều diện tích rừng gỗ lớn FSC. Chỉ tính riêng ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cơn bão này đã khiến hàng nghìn ha rừng trồng gần đến kỳ thu hoạch bị gãy đổ, thiệt hại cả trăm tỷ đồng.
Đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng rừng gỗ lớn, ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vinh Linh cho biết, rừng trồng ở địa phương chủ yếu là các loại keo. Trồng rừng gỗ lớn phải chờ nhiều năm. Khi cây rừng gần cho thu hoạch cao đến 4 - 5 m, tán lá rộng và thân giòn; nếu gặp gió bão cấp 8 - 9 là có thể bị gãy đổ hàng loạt. Khi cây rừng bị gãy đổ hàng loạt, người trồng rừng thiệt đơn thiệt kép do gỗ rừng mất giá.
Các tỉnh, thành khu vực Trung Trung Bộ hầu như năm nào cũng có bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Sau khi mỗi cơn bão đi qua, nhiều vạt rừng ở khu vực này trở nên tang hoang. Đối với mùa khô ở khu vực Trung Trung bộ thường có nắng nóng gay gắt kéo dài kết hợp với gió phơn Tây Nam khô nóng, rất dễ xảy ra tình trạng cháy rừng gây thiệt hại lớn cho các hộ trồng rừng. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn trồng rừng theo truyền thống là manh mún, nhỏ lẻ do có ít đất và vốn đầu tư cũng không nhiều.
Do vậy, chỉ một cơn bão đi qua hoặc một vụ cháy rừng là không ít chủ rừng lâm vào cảnh nợ nần. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho người dân ở khu vực Trung Trung Bộ chưa mặn mà với trồng rừng gỗ lớn. Hệ quả là các tỉnh, thành khu vực Trung Trung Bộ đều không đạt được mục tiêu phát triển rừng gỗ lớn như đã đề ra.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế có kế hoạch phát triển 16.000 ha rừng gỗ lớn vào năm 2020. Đến nay, diện tích rừng loại này của tỉnh mới chỉ đạt trên 50% so với kế hoạch đề ra.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguyên nhân là do trồng rừng thâm canh gỗ lớn thường có chu kỳ thu hoạch dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt đối với các cây sinh trưởng nhanh như keo.
Địa phương mới thực hiện trồng rừng kinh doanh gỗ lớn nên các chủ rừng, nhất là hộ dân chưa nhận thức hết được những lợi ích kinh tế lâu dài mà rừng gỗ lớn mang lại. Ngoài ra, diện tích đất trồng rừng của các hộ dân hiện nay phần lớn là manh mún, nhỏ lẻ và nằm ở vùng sâu vùng xa không thuận lợi cho hoạt động trồng rừng.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho hay, hàng năm địa phương có bố trí kinh phí hỗ trợ cho người dân thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC.
Tuy nhiên, qua rà soát trên địa bàn thành phố Đà Nẵng diện tích rừng của các hộ dân còn nhỏ lẻ, phần lớn diện tích rừng trồng kinh tế chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đảm bảo các tiêu chí của chứng chỉ rừng FSC. Một trong những tiêu chí rừng FSC là rừng trồng tập trung có quy mô trên 100 ha và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị giao cho các huyện, thị phát triển 600 ha rừng gỗ lớn/năm nhưng không năm nào đạt được. Nhà nước đã có chính sách khuyến khích trồng rừng lớn bằng việc hỗ trợ 50% giá cây giống, 50% giá cây giống còn lại do người dân đối ứng. Tuy nhiên, người dân vẫn không thích trồng rừng gỗ lớn, vì cho rằng mức đối ứng giá cây giống còn quá cao. Ngoài ra, trồng rừng loại này người dân còn bị ràng buộc thời gian được phép khai thác ít nhất 10 năm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh mới hỗ trợ người dân trồng được 430 ha rừng gỗ lớn. Hiện nay, nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/ha trồng rừng gỗ lớn bao gồm cây giống. Mức hỗ trợ này chưa đủ mạnh để tạo động lực cho các hộ dân trồng rừng gỗ lớn.
Theo tính toán của người trồng rừng, kinh phí để trồng mỗi ha rừng hết khoảng 20 triệu đồng gồm tiền mua cây giống, phân bón, công làm đất và chăm sóc. Bình quân mỗi hộ ở vùng gò đồi và miền núi có từ 2 - 3 ha đất để trồng rừng. Như vậy, mỗi hộ cần từ 40 - 60 triệu đồng cho mỗi vụ trồng rừng mới.
Số tiền này là rất lớn đối với nhiều người trồng rừng vốn sinh sống chủ yếu ở khu vực còn khó khăn. Do vậy, nhiều hộ muốn trồng được rừng phải đi vay vốn. Trong khi đó, vốn vay thường có kỳ hạn từ 3 - 5 năm khi rừng gỗ lớn phải gần 10 năm mới cho thu hoạch.
Câu chuyện về việc trồng rừng gỗ lớn dở dang của hộ ông Hồ Văn Biển, ở xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam là minh chứng. Nhận thấy việc làm nông tốn rất nhiều công sức nhưng số tiền thu về không đủ chi phí sinh hoạt của gia đình, ông Hồ Văn Biển đã vay vốn ngân hàng để trồng 3 ha rừng gỗ lớn, với mong muốn được đổi đời. Để có thu nhập từ rừng gỗ lớn, ông Biển phải chờ gần 10 năm. Trong khi đó, thời hạn vốn vay ngân hàng thì ngắn, tiền lãi ngân hàng phải trả hàng tháng, chưa kể chi phí khác cho việc chăm sóc rừng.
Ông Hồ Văn Biển chia sẻ, khi rừng được gần 5 năm tuổi, gia đình buộc phải bán với giá rẻ từ 50 - 70 triệu đồng/ha. Gia đình vẫn biết nếu để rừng thêm vài năm nữa, giá trị sẽ tăng gấp 3 lần nhưng không thể cầm cự được do rất cần tiền để trả cho ngân hàng và trang trải cuộc sống hàng ngày.
Từ năm 2016, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định số 32/2016/QĐ-UBND về hỗ trợ đối với hộ dân tham gia trồng rừng gỗ lớn. Cụ thể, với diện tích trồng rừng tối thiểu 2 ha, người dân đầu tư trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa và cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng được hỗ trợ 50% giá cây giống, tối đa không quá 4 triệu đồng/ha.
Đến nay, chính sách hỗ trợ được đánh giá là không còn phù hợp với thực tế. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tham mưu cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ban hành một quyết định hỗ trợ mới phù hợp hơn đối với người trồng rừng gỗ lớn, để thay thế cho Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND.
Tại Đà Nẵng chính quyền đang tiến hành triển khai chính sách hỗ trợ cho người dân, chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn chất lượng cao, theo Nghị quyết 254/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về, quy định chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn giai đoạn 2019 - 2030. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp khó khăn là phải thực hiện theo Luật Đầu tư công nên hồ sơ thủ tục kéo dài, phức tạp.
Bài cuối: Tính toán đầu tư phù hợp