Tạo môi trường thuận lợi để kinh tế tư nhân bứt phá

Từng ngày lớn mạnh bởi sự tăng nhanh về số lượng và chất lượng, khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, mục tiêu được đặt ra là đến năm 2020, khu vực tư nhân sẽ đạt con số 1 triệu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, đóng góp 48% đến 49% GDP và chiếm khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Với sự năng động, đổi mới, cùng những đề xuất về cơ chế, chính sách được phóng viên TTXVN ghi nhận từ các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp dưới đây, kỳ vọng khu vực kinh tế tư nhân sẽ tạo nên sự bứt phá trong thời gian tới.

May hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dệt May Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Cần sự quan tâm thích đáng

Khu vực kinh tế tư nhân đang không ngừng phát triển và khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những đóng góp của kinh tế tư nhân đối với nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là từ thời kỳ bắt đầu đổi mới đến nay, là rất quan trọng và không thể phủ nhận.

Để tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân cần có những chuyển biến mạnh mẽ từ chủ trương quan điểm, kinh tế - tài chính, lao động - xã hội đến tâm lý và tuyên truyền…. Mà theo đó, đầu tiên phải xác định cho rõ, kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn", mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Ngoài những nỗ lực tự thân để nâng cao sức cạnh tranh bằng cách gia tăng tiềm lực tài chính, nâng cao trình độ quản lý, trang bị máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, tăng cường đào tạo và sử dụng đội ngũ lao động có trình độ, có kỷ luật, có tác phong công nghiệp hiện đại..., khu vực kinh tế tư nhân rất cần sự quan tâm, khuyến khích thích đáng của Đảng và Nhà nước để phát huy tốt nhất vai trò tích cực; đồng thời, giúp hạn chế những khiếm khuyết tiêu cực.

Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế Nhà nước với kinh tế tư nhân; xoá bỏ các rào chắn đang ngăn cản quá trình tự do đi vào thị trường; bảo đảm quyền sở hữu tư nhân bằng các thể chế đặc biệt; áp dụng các chính sách về thuế, tín dụng…một cách cẩn trọng để hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân.

Một vấn đề thiết yếu nữa đối với khu vực kinh tế tư nhân hiện nay là xây dựng cơ sở pháp lý cho việc hình thành, thực hiện, theo dõi, thanh lý, giải quyết tranh chấp các hợp đồng kinh tế và xử lý các vấn đề kinh tế - tài chính khi doanh nghiệp phá sản hay giải thể theo qui luật thị trường.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (Trường Đại học quốc gia Hà Nội): Tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân

Cần nhấn mạnh và làm rõ rằng, việc xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế không hàm ý sự phân biệt đối xử. Một nguyên tắc chung cần phải được thực hiện là những gì tư nhân có thể làm tốt thì để cho khu vực tư nhân làm; Nhà nước cần thoái vốn tối đa trong lĩnh vực kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Khu vực kinh tế tư nhân cần trở thành động lực quan trọng nhất trong tất cả lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên thị trường – những nơi mà khu vực kinh tế Nhà nước không nên tham gia hoặc chỉ nên tham gia rất hạn chế vì không thuộc chức năng chính của mình.

Vì thế, nhanh chóng cổ phần hóa tất cả các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện chức năng “kinh doanh”, để tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia; đoạn tuyệt hoàn toàn những phân biệt đối xử và không để tiếp diễn tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ở một bộ chuyên dành những ưu đãi về chính sách cho các doanh nghiệp Nhà nước do mình quản lý.

Cùng với đó, bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu tư nhân về tài sản để các doanh nghiệp tư nhân yên tâm kinh doanh lâu dài, phát triển một cách lành mạnh.

Tập trung xử lý những vướng mắc về quyền sử dụng đất đai đang tạo nên tình trạng tham nhũng, trục lợi trong quản lý đất công vốn là điểm nghẽn trong tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp, giải phóng mặt bằng để phát triển kết cấu hạ tầng, định giá tài sản trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, xử lý nợ xấu và thế chấp vay vốn ngân hàng...

Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ông Hồ Sỹ Hùng: Xóa bỏ định kiến

Để có được môi trường phát triển lành mạnh cho khu vực kinh tế tư nhân mà chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất cần xóa bỏ mọi định kiến, rào cản để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển ở mọi ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; khuyến khích các hộ, cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, hiện đại hoá và phát triển nguồn nhân lực.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát và kiến nghị sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan, nhằm đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, minh bạch và dễ tuân thủ đối với doanh nghiệp. Ngay như các quy định về quản lý thuế, hải quan cũng phải được đổi mới theo hướng liên thông giữa các bộ, các cơ quan có liên quan để giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí thực hiện cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng cần được sửa đổi và điều chỉnh; thay đổi phương thức kiểm tra trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; đảm bảo tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành ở mức không quá 20% so với tổng số lô hàng xuất nhập khẩu.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Ngô Văn Điểm: Giảm chi phí không chính thức

Thực tế cho thấy, theo số liệu chính thức đã được công bố thì cứ 3 doanh nghiệp ra đời lại có ít nhất 3 doanh nghiệp giải thể hoặc đóng cửa. Nguyên do là vì các doanh nghiệp mới ra đời nên việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, tín dụng… luôn khó khăn và chi phí rất cao. Nhất là trong bối cảnh gặp phải lúc thị trường cạnh tranh không lành mạnh thì việc thuê đất đai, nhà xưởng, văn phòng là rất khó.

Thêm nữa về tín dụng ngân hàng, muốn được vay tín chấp thì phải chịu lãi suất cao hơn vài phần trăm. Chưa kể cộng với các chi phí khác. Điều đó khiến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khổ lại càng thêm khổ. Không những thế, việc khảo sát thị trường của các doanh nghiệp cũng thường không chính xác,  dẫn tới thực tế khi sản phẩm bước ra thị trường thường bị vỡ trận nên phải rút lui sớm là điều dễ hiểu. 

Chính vì lẽ đó, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự có “đất dụng võ”, vấn đề không chỉ là giảm chi phí, mà còn cần giảm cả thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, vốn còn đang gây nhiều phiền hà, phiền toái và làm nản lòng các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới ra đời.

Ngoài những chi phí chính thức như vận tải, logistics, lệ phí cầu đường hay chi phí tiêu thụ điện năng, chi phí xử lý môi trường… thì các chi phí không chính thức cũng đang từng ngày đè nặng lên vai doanh nghiệp.

Đã tới lúc, mọi vấn đề cần sự minh bạch rõ ràng; các loại chi phí được Nhà nước quy định cũng cần phải được công khai, minh bạch, được thực hiện chuẩn chỉ và có đơn vị chịu trách nhiệm giải trình nếu phát sinh những vấn đề tiêu cực.

Tất cả những điều đó sẽ góp phần không nhỏ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển; tạo môi trường trong sạch và điều kiện tốt lành để gieo niềm tin tưởng nơi khu vực kinh tế tư nhân.

Thạch Huê (Tổng hợp)
Động lực mới cho kinh tế tư nhân
Động lực mới cho kinh tế tư nhân

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này đang khơi nguồn cho sự đổi mới, là cơ sở để các lực lượng kinh tế tư nhân phát triển và phát huy toàn diện vai trò của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN