Hội thảo nhằm góp phần đánh giá tình hình phát triển kinh tế tư nhân, giải quyết những rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững.
Chưa trở thành động lực của nền kinh tế Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam cho biết, sau gần 30 năm đổi mới, kể từ Đại hội VI của Đảng, kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã ngày càng được coi trọng và khuyến khích phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Từ chỗ chỉ được thừa nhận và cho phép tồn tại trong nền kinh tế nhiều thành phần (Đại hội VI-1988), đến nay, kinh tế tư nhân đã được coi là “một động lực quan trọng của nền kinh tế và là một xu thế tất yếu giúp Nhà nước thực thi nhiệm vụ kinh tế đã đề ra” (Đại hội XII- ngày 28/1/2016). Đây là một bước tiến lớn về mặt nhận thức đối với kinh tế tư nhân.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, quan điểm, đường lối của Đảng đã được Nhà nước thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật. Các cơ chế chính sách đã tạo ra cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, môi trường kinh tế- xã hội ngày càng thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta trong những năm vừa qua.
Trong hai năm 2015 và 2016, phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh, riêng năm 2016, có hơn 110 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, cao nhất trong những năm qua. Kinh tế tư nhân sử dụng 85% lực lượng lao động trong nền kinh tế, có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2003- 2015 là 10,2%/năm, đóng góp khoảng 39-40% GDP của đất nước. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.
Kinh tế tư nhân chưa thật sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, kinh tế tư nhân chủ yếu vẫn là kinh tế hộ cá thể. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp, lạc hậu, đổi mới chậm.
Trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh thấp, chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp, năng lực hội nhập quốc tế hạn chế. Cơ cấu ngành nghề của doanh nghiệp tư nhân chưa hợp lý.
Hơn 80% doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Chỉ có hơn 10% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tình trạng vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân khá phổ biến. Tình trạng sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm diễn ra nghiêm trọng, phức tạp…
Phát triển cộng đồng doanh nghiệp hình Kim tự tháp Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Cũng theo báo cáo đề dẫn, những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến sự hạn chế và yếu kém của kinh tế tư nhân đó là, luật pháp, cơ chế chính sách của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính phiên hà; tình trạng quan liêu, lạm dụng chức quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức quản lý Nhà nước làm môi trường đầu tư thiếu an toàn, minh bạch, thuận lợi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.
Quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, nhất là các nguồn lực của Nhà nước, tiếp cận các cơ hội kinh doanh còn chưa được đảm bảo. Việc gia nhập và rút khỏi thị trường còn nhiều rào cản, tồn tại nhiều chi phí không chính thức.
Về phía kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, trình độ quản lý, năng lực tài chính còn hạn chế; thiếu chiến lược kinh doanh ổn định, phát triển lâu dài mà còn “ăn sổi, ở thì”, “lướt sóng”, tranh thủ quan hệ với cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước để “xin” dự án, cơ hội đầu tư...
Kiến nghị những giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng T rường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nên tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện thể chế phân bổ nguồn lực để các nguồn lực được huy động và sử dụng có hiệu quả cao, nhất là các nguồn lực của Nhà nước.