Trước tình trạng chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) và thiếu nguồn vật liệu đất cát đắp nền đường, kiểm tra công trường thi công cao tốc thành phần Hậu Giang - Cà Mau mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) phối hợp chặt chẽ với địa phương linh hoạt đẩy nhanh tiến độ thi công bù tiến độ, có mặt bằng, vật liệu đến đâu triển khai cuốn chiếu đến đó.
Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đến thời điểm này, các địa phương có cao tốc đi qua đã bàn giao mặt bằng cho dự án 72,8/73,2km. Các nhà thầu đang thi công đồng loạt trên tuyến, với 140 mũi thi công, huy động 440 đầu máy thiết bị, khoảng 1.000 kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, lái máy... để triển khai phát quang, đào hữu cơ, đắp cát nền đường, cắm bấc thấm, thi công móng cọc cầu, đổ bê tông mố trụ, đúc dầm…
Tổng giá trị sản lượng thi công đã đạt 1.390/11.958 tỷ đồng (11,7%), chậm 5 tháng so với kế hoạch. Lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến nay đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 4.295 tỷ đồng.
"Nguyên nhân dự án chậm tiến độ chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền. Nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án là hơn 18 triệu m3, nhưng đến nay, các địa phương mới bố trí được khoảng 3 triệu m3 và thực tế nhà thầu tiếp nhận về công trường hiện được khoảng hơn 700.000 m3. Trong đó, tỉnh An Giang khoảng 200.000 m3, tỉnh Đồng Tháp 500.000 m3, tỉnh Vĩnh Long 2.300 m3... Bên cạnh đó, từ đầu tháng 8/2023 đến nay, thời tiết xấu, triều cường dâng cao, một số vị trí còn vướng mặt bằng thi công cầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công", ông Trần Văn Thi cho hay.
Bên cạnh đó, các nhà thầu dự án cũng chậm huy động máy móc thiết bị thi công tại một số vị trí đã có mặt bằng sạch, chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là đắp cát vào đường công vụ thay vì tuyến chính.
Ngoài ra, công tác GPMB cũng chưa đáp ứng nhu cầu, vẫn còn một số hộ dân tại các vị trí cầu chưa đồng ý bàn giao mặt bằng do chưa đồng thuận giá đền bù hoặc chưa được cấp đất tái định cư, cộng với hạ tầng kỹ thuật, nhất là lưới điện cao thế qua tỉnh Hậu Giang trên tuyến cao tốc đến nay chưa triển khai di dời…
Trước thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu dành tối đa thời gian thi công công trình, vì thời gian tới dự án sẽ mất khoảng 1 năm chờ gia tải, theo dõi lún nền đường, nếu chậm trễ khó đáp ứng yêu cầu.
Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm viêc với UBND các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau sớm hoàn thành GPMB diện tích thu hồi còn lại cho các nhà thầu thi công; đẩy nhanh di dời hệ thống điện, cấp nước, viễn thông để các công tác thi công xây lắp triển khai an toàn, đạt tiến độ dịp cuối năm.
Riêng đối với nguồn vật liệu cát đắp nền đường, Bộ GTVT sẽ có ý kiến với các địa phương tăng thêm công suất khai thác và sớm hoàn thành thủ tục để có thể tổ chức khai thác các mỏ cát ngay trong tháng 12/2023...
Cao tốc thành phần Hậu Giang - Cà Mau dài 73,22 km tuyến chính và 16,6 km tuyến nối. Trong đó, chiều dài đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 26,1 km (huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ); tỉnh Bạc Liêu khoảng 7,7 km (huyện Hồng Dân); tỉnh Kiên Giang khoảng 17,04 km (huyện Vĩnh Thuận); Cà Mau 21,86 km tuyến chính và 16,59 km tuyến nối (huyện Thới Bình, huyện Cái Nước). Dự án có tổng mức đầu tư 17.152 tỷ đồng, khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quy hoạch và phát triển không gian đô thị, cũng như hình thành các khu kinh tế, cụm công nghiệp, tạo động lực phát triển cho các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.