Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng giao Sở Giao thông Vận tải Hải Dương nghiên cứu tham mưu cách thức vận chuyển hàng hóa đảm bảo an toàn phòng dịch để tỉnh thống nhất với thành phố Hải Phòng, nhằm tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản. Công an tỉnh Hải Dương chỉ đạo các chốt kiểm soát chặt việc thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch và thuận lợi cho các phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu.
Huyện Cẩm Giàng đang trong giai đoạn thực hiện "phong tỏa trong phong tỏa" để phòng chống dịch COVID-19. Việc tiêu thụ cà rốt - cây trồng vụ Đông chủ lực của địa phương đang gặp vướng mắc trong khâu vận chuyển và xuất khẩu.
Tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, nơi được ví là vựa cà rốt của miền Bắc, bên cạnh 350 ha cà rốt trồng trong xã, người dân còn thuê đất trồng ở các địa phương khác trong tỉnh như huyện Nam Sách, thành phố Chí Linh và một số nơi ngoài tỉnh như Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam với khoảng 750 ha.
Thông thường, khoảng 50% sản lượng cà rốt của địa phương được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông và một số nước châu Âu. Thế nhưng, hiện dịch bệnh đã khiến nhiều địa phương tạm dừng không cho các xe vận chuyển nông sản gồm cả xe chở cà rốt về Đức Chính sơ chế, đóng gói, đưa đi tiêu thụ.
Tính đến ngày 20/2, nông dân Đức Chính đã thu hoạch 293 ha cà rốt và vẫn còn khoảng 800 ha đến thời kỳ thu hoạch; trong đó, 245 ha ở Đức Chính có sản lượng khoảng 14.700 tấn và 563 ha thuê đất bên ngoài ước khoảng 33.750 tấn.
Ông Vương Đức Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Đức Chính cho biết, nếu không được thu hoạch trong khoảng nửa tháng nữa, cà rốt sẽ bị hỏng ngay trên ruộng, thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Tiền, thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính lo lắng cho biết, gia đình vẫn còn 5 sào cà rốt chưa thu hoạch (1 sao tương đương 360 m2). Nếu không thu hoạch kịp thời, cà rốt bị hỏng gia đình bà sẽ thiệt hại gần 50 triệu đồng.
Hiện tại, Hải Dương có khoảng 20.000 tấn cà rốt đã thu hoạch, sơ chế và đóng gói để trong các kho lạnh của doanh nghiệp vẫn chưa tiêu thụ hay xuất khẩu được. Bên cạnh đó, còn trên 40.000 ha chưa thu hoạch.
Theo ông Trần Văn Quân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ nhưng khó khăn nhất hiện nay là khâu vận chuyển từ vùng nguyên liệu đến các điểm sơ chế đóng gói và vận chuyển đi ra tỉnh ngoài tiêu thụ. Các tỉnh bạn đều yêu cầu lái xe chở hàng phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 3 ngày. Điều này đang rất khó cho doanh nghiệp.
Về giải pháp tiêu thu hàng nông sản, tỉnh cần tiếp tục đề nghị với các bộ, ngành Trung ương, thành phố Hải Phòng để ưu tiên tối đa cho xe vận chuyển, xuất khẩu theo đường cảng Hải Phòng; đồng thời, kiến nghị các tỉnh bạn tạo điều kiện lưu thông để cà rốt được tiêu thụ tới các địa phương. Các doanh nghiệp vận tải vẫn phải chấp hành nghiêm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch - ông Quân đề xuất.
Cùng tham gia đoàn kiểm tra thực tế tại vùng nguyên liệu, các chuyên gia của Bộ Y tế đề xuất, trước mắt, Hải Dương có thể tính đến phương án kiến nghị với Hải Phòng cho cơ chế các thương lái, doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nông sản; mặt khác, vẫn yêu cầu lái xe mặc đồ bảo hộ và tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Khi chở hàng đến chốt kiểm soát giữa hai tỉnh, thành phố, để đảm bảo hàng hoá được lưu thông, lái xe phía tỉnh bạn sẽ tiếp nhận xe hàng để tiếp tục vận chuyển đi tiêu thụ.
Chia sẻ với khó khăn của nông dân địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, tỉnh đang áp dụng nhiều biện pháp tạo điều kiện cho vận chuyển nông sản, hàng hóa phục vụ sản xuất. Trong hai ngày nay, tỉnh bắt đầu triển khai xét nghiệm cho các lái xe vận tải, trả kết quả sau 24 tiếng đồng hồ để sau khi được xác nhận có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 thì họ có thể vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm, hàng phục vụ sản xuất.
Theo ông Phạm Xuân Thăng, Hải Dương đang tập trung, ưu tiên xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các lái xe vận tải, bảo đảm không để lây lan dịch bệnh từ hoạt động vận tải hàng hóa. Những ngày tới, căn cứ vào tình hình dịch ở từng địa phương, tỉnh sẽ có những đánh giá và thay đổi mức độ áp dụng các biện pháp phòng dịch để đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản.