Tạo cơ chế đặc thù thu hút nhà đầu tư PPP giao thông

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang đề xuất Chính phủ cơ chế đặc thù cho phép mở rộng, hiện đại hóa đường bộ cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) để thu hút nhà đầu tư xây dựng hạ tầng.

Bài học kinh nghiệm

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 129 km, là 2 trong 11 dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I 2017 – 2020. Hai cao tốc này cũng là 2 trong 3 dự án PPP được đưa vào khai thác từ cuối tháng 4/2024, góp phần đưa giao thông, giao thương của người dân thuận tiện hơn so với Quốc lộ 1, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, nâng tổng số chiều dài cao tốc cả nước lên 1.206 km trên trục Bắc Nam. Cũng từ 2 dự án này, ngành GTVT và các cơ quan liên quan đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về thu hút đầu tư dự án PPP giao thông. 

Chú thích ảnh
Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt. Ảnh: TTXVN

Trước khi cán đích, 2 dự án này đã trải qua nhiều giai đoạn phải giãn, hoãn tiến độ, do nhà đầu tư không huy động được vốn, không đàm phán được với ngân hàng về vốn vay, vì không có cơ chế hỗ trợ bảo đảm hoàn vốn với các dự án hạ tầng có thời gian hoàn vốn từ 15 - 25 năm. Thậm chí, các doanh nghiệp thi công còn “chây ì”, khiến Bộ GTVT ra “tối hậu thư” nếu không đảm bảo tiến độ sẽ thu hồi dự án trình Chính phủ. Thêm vào đó, trong quá trình triển khai, doanh nghiệp tại dự án luôn chịu áp lực “lời ăn lỗ chịu”, gánh rủi ro nếu dự án không đảm bảo doanh thu sau khi đưa vào khai thác, trong khi vẫn bị ngân hàng siết tín dụng... Thực tế này khiến các doanh nghiệp giao thông không mặn mà với dự án PPP.

Theo các chuyên gia giao thông, Luật PPP có hiệu lực từ năm 2021 đã đề cập tới cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Song, để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư phải có cam kết về cơ chế đặc thù hỗ trợ. Thực tế, các dự án BOT giai đoạn trước đây bị vỡ phương án tài chính thu phí hoàn vốn là do chính sách thay đổi, không được tăng phí theo quy định, nên không chỉ chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án, ngân hàng cho vay vốn cũng lo ngại. Muốn thu hút nhà đầu tư, Nhà nước cần có cam kết chia sẻ rủi ro trong hợp đồng ký kết phòng trường hợp dự án bị sụt giảm doanh thu sau khi hoàn thành đưa vào khai thác...

Theo ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo thi công cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, hai yếu tố quan trọng nhất là bình đẳng và đồng hành. Quá trình triển khai, cơ quan có thẩm quyền cần phân công đầu mối phối hợp cụ thể, song hành cùng doanh nghiệp dự án đẩy nhanh thủ tục các hạng mục điều chỉnh, phát sinh (nếu có). Các hạng mục điều chỉnh thay đổi so với hợp đồng ký kết cũng cần sớm xác định rõ đâu là trách nhiệm của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Nhà nước cần giao quyền nhiều hơn cho các nhà đầu tư, từ khâu nghiên cứu dự án, thiết kế đến thi công. Nói cách khác, Nhà nước chỉ ra đầu bài dự án, tiêu chuẩn kỹ thuật, sau đó nghiệm thu theo quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật. Giải pháp thi công thế nào, ứng dụng công nghệ ra sao sẽ do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chủ động...

Những tháng đầu năm 2024, bức tranh đầu tư hạ tầng giao thông PPP có thêm những mảnh ghép mới, khi lần lượt các dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng được khởi công. Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả (doanh nghiệp thi công dự án), cùng với sự nỗ lực của nhà đầu tư, thời gian qua, các dự án PPP đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ tối đa từ cơ quan quản lý Nhà nước. Đơn cử, tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, địa phương đã cắt giảm tối đa các dự án đầu tư nhỏ lẻ để tập trung nguồn lực thực hiện dự án. Dự án cũng được Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù, có thể tăng nguồn vốn ngân sách tham gia tối đa 70% tổng mức đầu tư...

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT)  cho biết: Tại văn bản góp ý xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định về đầu tư PPP gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT đã đề xuất bổ sung quy định phương án tài chính bảo đảm hài hòa quyền lợi, trách nhiệm giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong quá trình khai thác. Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện tiểu dự án cũng được đề xuất điều chỉnh theo hướng tăng tính chủ động cho doanh nghiệp dự án, phù hợp với quy định pháp luật về xây dựng. 

Sửa đổi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP

Thực tế triển khai các dự án PPP, việc thực hiện các Nghị định về đầu tư theo phương thức PPP đến nay nảy sinh nhiều vướng mắc. Nghị định số 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu dự án phải đáp ứng đối với dự án PPP lớn hơn so với thực tiễn và nhu cầu thu hút đầu tư của địa phương, dẫn đến khó thu hút nhà đầu tư tham gia dự án PPP. Mặt khác, Nghị định 35 cũng quy định về việc cơ quan ký kết hợp đồng chỉ thanh toán tối đa 50% giá trị khối lượng đã hoàn thành đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP, đã gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc thu xếp vốn thực hiện toàn bộ dự án PPP.

Chú thích ảnh
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: TTXVN

Hay Nghị định số 28/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP gồm: Tiêu chí đánh giá phương án tài chính của dự án PPP trong từng hạng mục chưa đầy đủ, dẫn đến lúng túng trong thẩm định tính khả thi về tài chính; quy định về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP chưa đồng bộ và thống nhất với quy định tại Luật PPP; nguồn vốn thanh toán cho dự án PPP chưa được quy định cụ thể… Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết Luật PPP hiện nay là cần thiết.

Tại Công văn số 2966/VPCP-CN, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP, trình Chính phủ trong tháng 9/2024.

Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) theo chức năng, nhiệm vụ được giao quy định tại khoản 1 Điều 91 Luật PPP, trình Chính phủ trong tháng 9/2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Bộ GTVT, Công Thương, Xây dựng, Tư pháp, Nội vụ, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường), các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo các Nghị định nêu trên và thống nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, giải quyết dứt điểm vướng mắc của các dự án theo hình thức hợp đồng BT chuyển tiếp, đang triển khai dở dang.

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ: 
Minh bạch thông tin, nhất quán chính sách:
Đầu tư dự án giao thông là đầu tư dài hạn, nên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù các dự án cao tốc có nhiều thuận lợi cho việc thu phí, song để thu hút vốn xã hội vào các dự án này đòi hỏi việc lập dự án khả thi, tiền khả thi phải dự báo chính xác, dựa trên những giả định từ tình hình kinh tế, lãi suất ngân hàng, doanh thu đến thu phí… để làm cơ sở cho doanh nghiệp quyết định đầu tư. Do đó, việc minh bạch thông tin, nhất quán về chính sách sẽ tạo sự chủ động và bình đẳng cho nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Phan Đức Hiếu: Nâng tỷ lệ vốn Nhà nước thu hút đầu tư dự án PPP giao thông đặc thù:
Cần nâng tỷ lệ góp vốn Nhà nước tham gia các dự án PPP lên 80%, vì đây là phần vốn Nhà nước có thể tham gia và tạo dư địa cho địa phương đàm phán với các nhà đầu tư. Mỗi địa phương tùy hoàn cảnh có phương án riêng và tỷ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước có thể dưới tỷ lệ tối đa cho phép. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê, từ khi Luật PPP và các Nghị định quy định chi tiết Luật này có hiệu lực thi hành đến hết năm 2022, cả nước có 24 dự án PPP mới thực hiện theo Luật PPP (10 dự án đã được phê duyệt, 14 dự án đang chuẩn bị đầu tư) và 295 dự án PPP (trong đó có 160 dự án áp dụng loại hợp đồng BT) đang thực hiện theo quy định chuyển tiếp của Luật này. Hầu hết các dự án PPP mới triển khai theo quy định của Luật PPP đều là các dự án trọng điểm quốc gia.
Vân Sơn/Báo Tin tức
Nâng tỷ lệ vốn nhà nước thu hút đầu tư dự án PPP giao thông đặc thù
Nâng tỷ lệ vốn nhà nước thu hút đầu tư dự án PPP giao thông đặc thù

Theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được ban hành ngày 20/6/2020, nhà nước chỉ tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư dự án, còn lại là nhà đầu tư và nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021) tới nay, thống kê từ Bộ Giao thông Vận tải cho thấy chưa có một nhà đầu tư nào đầu tư vào các dự án PPP (công tư).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN