Thưa ông, Tổng Cục thống kê vừa công bố mức tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ 2021. Ông đánh giá gì về mức tăng trưởng này?
Khôi phục đà phát triển kinh tế - xã hội được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội xác định là nhiệm vụ quan trọng đồng hành với Chính phủ. Trong hai năm đại dịch COVID-19, kinh tế - xã hội đất nước có những thời điểm tăng trưởng âm như quý III/2021, khiến đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Quý I/2022, với đà tăng trưởng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021 như Tổng Cục thống kê công bố, tôi nghĩ rằng đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Điều đó thể hiện phần nào quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Trong Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập rất nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội và cũng được đưa ra chất vấn các vị Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã giải đáp và có giải pháp; ví dụ như vấn đề ùn tắc nông sản, hoa quả ở biên giới phía Bắc... Tôi cũng vừa nhận được văn bản trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra các giải pháp để xử lý vấn đề này. Hay như vấn đề tài nguyên môi trường, đấu giá đất quá cao sau đó hủy, gây nhiễu loạn thị trường, rồi vấn đề đầu cơ đất đai trái phép đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị ở một số địa phương...
Tất cả những vấn đề đó đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình tại phiên chất vấn. Qua phiên chất vấn này và qua kết quả thông báo của Cục thống kê, chúng ta thấy rằng trong quý I/2022 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức cố gắng, nỗ lực dành rất nhiều công sức, tâm huyết để gia tăng chỉ số phát triển GDP của quốc gia.
Tôi nhận thấy trong quý I/2022, Chính phủ đã làm được rất nhiều việc, ví dụ như quan tâm thúc đẩy xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng liên tục xuống hiện trường, kiểm tra, rà soát để giải quyết những vấn đề nổi cộm như giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn, tiến độ xây dựng... Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát ra quyết liệt của Chính phủ nên các đơn vị thi công, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Ví dụ như ở Nghệ An có 4 huyện giải phóng mặt bằng chậm, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản kiểm điểm, sau đó 4 huyện đều tăng tốc và đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định đến nay đã hoàn thành 99% việc giải phóng đạt theo kế hoạch.
Vậy theo ông, đâu là cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn còn, nhưng việc các nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại Việt Nam đang có những dấu hiệu rất đáng mừng. Đặc biệt lượng vốn đầu tư công đổ vào nền kinh tế cũng rất lớn, nên việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là động lực để nền kinh tế đất nước phát triển.
Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của COVID-19, nên việc người lao động trở lại nhà máy, trở lại với các khu công nghiệp cũng đang là một vấn đề thách thức. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ tiền thuê trọ trong ba tháng từ 500.000 đồng; Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ với mức 1 triệu đồng tùy từng đối tượng. Đó là những việc làm thiết thực tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đó là vẫn phải tiếp tục có những biện pháp cách ly y tế, tiêm chủng... việc đó chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì để đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Giá xăng dầu trong nước tăng cao gây áp lực cho nền kinh tế, vậy điều này có ảnh hưởng tới lạm phát như thế nào, thưa ông?
Chúng ta thấy rằng giá dầu thế giới tăng cao nên giá dầu trong nước cũng không nằm ngoài hiệu ứng này, gây áp lực lạm phát cho nền kinh tế. Điều này đã được Quốc hội cũng như Chính phủ dự báo, cảnh báo khi đưa ra gói hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm tới.
Ngay sau khi nhận thấy nguy cơ lạm phát xảy ra, Chính phủ đã kịp thời có những biện pháp rất cụ thể, đó là giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn... Đó cũng là một trong những công cụ để chúng ta giảm lạm phát, hỗ trợ cho tiêu dùng trong xã hội.
Tôi nghĩ rằng, với sự theo dõi sát sao bằng các công cụ kinh tế cụ thể, Chính phủ sẽ đảm bảo giữ được sự ổn định nền kinh tế, tránh lạm phát trong năm 2022.
Xin cảm ơn ông!