Nhận định trên được Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratman đưa ra trong cuộc phỏng vấn độc quyền với TTXVN trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022. Đại sứ nêu rõ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam và việc mở rộng mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, trong đó bao gồm các doanh nghiệp Singapore.
Singapore hiện duy trì vị trí dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong hai năm liên tiếp, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ dịch vụ tài chính, bảo hiểm, sản xuất, bất động sản, thương mại đến bán buôn và bán lẻ. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021, Singapore dẫn đầu với 10,7 tỷ USD, chiếm tới 34,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Trong số đó, Hệ thống Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) được đánh giá là một trong những doanh nghiệp Singapore điển hình đang hoạt động rất thành công. Có mặt tại Việt Nam hơn 25 năm, đến nay VSIP đã thu hút 14 tỷ USD vốn đầu tư và tạo ra hơn 270.000 việc làm.
“Phát triển kinh tế số sẽ là ưu tiên hàng đầu của cả Việt Nam và Singapore trong những thập kỷ tới. Singapore mong muốn hợp tác sâu rộng với Việt Nam trong lĩnh vực này, đặc biệt là khi Việt Nam xác định phát triển kinh tế số là động lực quan trọng nhằm thực hiện được tham vọng trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045”, Đại sứ Jaya Ratman nêu rõ.
Bên cạnh đó, hợp tác về luồng dữ liệu xuyên biên giới, an ninh mạng và quản trị trí tuệ nhân tạo sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển của các công ty khởi nghiệp của Việt Nam và Singapore qua việc giúp các công ty này giao dịch một cách an toàn và dễ dàng hơn.
Đại sứ cho biết COVID-19 đã nêu bật vai trò quan trọng của thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử trong việc đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và kết nối vận tải. Ông hy vọng Việt Nam sẽ tham gia vào mạng lưới liên minh kỹ thuật số của Singapore để thúc đẩy khả năng tương tác của các tiêu chuẩn và hệ thống.
Nhằm khôi phục hoàn toàn kết nối kinh tế, du lịch và giao lưu nhân dân, hai nước cũng đang nỗ lực khôi phục các chuyến bay thương mại giữa hai quốc gia thông qua việc phối hợp chặt chẽ trong việc công nhận hộ chiếu vaccine của nhau.
Theo Đại sứ, logistics và thương mại điện tử là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai quốc gia khi Việt Nam tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hai công ty Singapore thuộc lĩnh vực này là Grab và Shoppe đang ngày một mở rộng phạm vi hoạt động tại Việt Nam.
“Nền kinh tế Việt Nam không chỉ phục hồi mà còn phục hồi mạnh mẽ vào năm nay. Tôi tin rằng nhiều công ty, tập đoàn Singapore sẽ tiếp tục nắm bắt cơ hội tại thị trường Việt Nam và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, Đại sứ nhấn mạnh.
Liên quan đến quan hệ song phương, Đại sứ Jaya Ratman nêu rõ quan hệ Việt Nam – Singapore được xây dựng trên nền tảng vững chắc của sự tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau và ngày một khăng khít hơn bất chấp hai quốc gia đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Hai năm qua, hai quốc gia vẫn duy trì các cam kết song phương cấp cao như cuộc gặp gỡ song phương giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Singapore Lý Hiển Long vào tháng 4/2021, chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan tới Việt Nam vào tháng 6/2021. Ngoài ra, các khóa học trực tuyến về phát triển nguồn nhân lực cũng đã được tổ chức cho hàng trăm cán bộ Việt Nam.
Đáng chú ý, trong bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19, Việt Nam và Singapore đã dành cho nhau những hỗ trợ thiết thực về vật tư và thiết bị y tế. Cộng đồng người Singapore tại Việt Nam đã gây quỹ để mua và phân phát đồ dùng thiết yếu cho các gia đình khó khăn. Cũng trong giai đoạn này, người dân Singapore đã rất cảm kích khi nhận được hỗ trợ khẩn cấp về vật tư y tế từ Việt Nam trong giai đoạn gian khó này.
Đại sứ cho biết Việt Nam và Singapore sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2023. Đây cũng là thời điểm mà hai nước đã phục hồi sau đại dịch COVID-19 và hai quốc gia tiếp tục đẩy mạnh cam kết song phương cũng như mở rộng hợp tác, trong đó đặc biệt ưu tiên lĩnh vực kinh tế số và phát triển bền vững.