Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) đã đạt gần 80% chỉ tiêu đề ra. Từ nay đến cuối năm, rất nhiều doanh nghiệp có mặt hàng XK lạc quan với tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.
Cú hích công nghiệp, chế biến...
Theo thống kê của Bộ Công Thương, 9 tháng qua, XK cả nước đã đạt hơn 96 tỷ USD, trong đó khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc nâng cao giá trị XK. Hiện khối doanh nghiệp này chiếm đến hơn 60% tổng giá trị XK của toàn ngành. “Riêng những ngành hàng thuộc nhóm dệt may, giầy dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... chiếm gần 70% tổng kim ngạch XK. Trong bối cảnh nhiều nhóm hàng chủ lực đang gặp khó khăn về XK, sự vươn lên của nhóm ngành hàng công nghiệp, chế biến khi tăng hơn 26% so với cùng kỳ đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kim ngạch XK”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định.
Dệt may tiếp tục là điểm sáng đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. |
Công ty cổ phần sản xuất - thương mại May Sài Gòn là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã đạt doanh thu hơn 900 tỷ đồng và dự kiến cả năm 2013, con số sẽ vượt 1.100 tỷ đồng, đạt lợi nhuận hơn 65 tỷ đồng. Với việc có thêm khách hàng mới, việc làm ăn “thuận buồm xuôi gió”, doanh nghiệp đang tính đến phương án mở rộng sản xuất để nâng cao năng lực XK trong các năm sắp tới. Tương tự, ngành hàng XK những sản phẩm từ gỗ cũng có bước tăng trưởng vượt bậc. Chỉ tính từ đầu tháng 8 đến nay, sản xuất đồ gỗ XK đã tăng vọt và không ít đơn vị phải từ chối nhận đơn hàng giao ngắn hạn. Với những tín hiệu tích cực trên, mục tiêu XK 5,3 tỷ USD của ngành chế biến gỗ trong năm nay hoàn toàn có thể nằm trong tầm tay.
Những ngày này, các doanh nghiệp XK tôm cũng “vui như Tết”. Giá tôm XK vào thị trường Mỹ đang liên tục tăng và chỉ tính từ tháng 9 đến nay, giá tôm sú đã tăng thêm bình quân 3,6 USD/kg, giá tôm chân trắng tăng thêm 4,2 USD/kg. Với những tín hiệu khả quan này, XK tôm năm 2013 sẽ dễ dàng đạt kim ngạch từ 2,5 - 2,6 tỉ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2012. “Tuy nhiên, đây chỉ là tia sáng hiếm hoi trong bức tranh tổng thể đang ảm đạm của nhóm ngành hàng nông nghiệp. Nhu cầu của thị trường, giá XK nhiều mặt hàng giảm khiến doanh nghiệp XK những nhóm hàng này đối mặt với nhiều khó khăn”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Khả năng tăng trưởng trên 10%
Theo các chuyên gia kinh tế, với mức tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2012, XK đang là một điểm nhấn trong bức tranh tổng thể nền kinh tế Việt Nam trong 10 tháng qua. Nhiệm vụ của ngành chức năng và doanh nghiệp hiện nay là phải tiếp nối sự thành công đó, tạo sự đột phá trong 2 tháng cuối năm 2013. Căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 10%, thì năm 2013, kim ngạch XK của cả nước sẽ phải đạt 126 tỷ USD. “Thực tế, tình hình XK chung chưa có dấu hiệu chậm lại và dựa vào quy luật trong XK hàng hóa thường tăng mạnh vào các tháng cuối năm nên tôi rất lạc quan. Nếu thị trường không có yếu tố đột biến xảy ra, tôi tin XK cả năm sẽ đạt khoảng 131 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2012, cao hơn 4% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra”, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết.
Trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho XK, Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp cần có những giải pháp cụ thể giữ vững thị trường XK trọng điểm, truyền thống; đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường XK mới. Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp XK, Bộ sẽ triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, nỗ lực giúp doanh nghiệp tìm kiếm, khai thông được thị trường tiềm năng mới. Bộ cũng kiến nghị các bộ ngành liên quan tiếp tục có những giải pháp sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc nộp thuế và bảo lãnh thuế - những vấn đề đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp XK.
“Chúng ta đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại và các doanh nghiệp cần bám sát các vấn đề thời sự này, từ đó có kế hoạch triển khai phương án kinh doanh phù hợp. XK đang phải đối mặt với nhiều rào cản. Để tăng kim ngạch XK, chúng ta phải tập trung tháo gỡ khó khăn, mà điều tiên quyết là những vướng mắc từ chính nội tại các doanh nghiệp. Phải hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán bởi tình trạng này đang tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài tranh thủ ép giá gây thiệt thòi cho chính các doanh nghiệp XK của ta...”, ông Chinh nói thêm.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa