Với khối lượng đầu tư xây dựng lớn nhất từ trước đến nay, hệ thống truyền tải điện Quốc gia đã đáp ứng yêu cầu đấu nối và giải tỏa công suất các dự án nguồn điện, đồng thời tăng năng lực truyền tải điện và kết nối hệ thống điện toàn quốc, đảm bảo cấp điện theo nhu cầu của các khu vực và phụ tải trên cả nước; đặc biệt là nâng cao năng lực truyền tải điện Bắc - Nam, cấp đủ điện cho miền Nam.
Vận hành nhiều dự án lưới điện quan trọng
Trong năm 2015, EVN NPT đã đầu tư 18.848 tỷ đồng để đầu tư 57 công trình 220 - 500 kV, đóng điện đưa vào vận hành 52 công trình 220 - 500 kV. Tổng công ty cũng lựa chọn nhà thầu cho 674 gói thầu các loại với tổng giá trị gói thầu khoảng 15.817 tỷ đồng. Nhiều dự án quan trọng được khởi công để đảm bảo cung cấp điện trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
Lắp đặt đường dây lưới điện tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
EVN NPT cho biết, riêng đối với lưới điện 500 kV, tổng công ty đã hoàn thành các dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất nguồn điện, nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và cung cấp điện cho miền Nam, điển hình như các đường dây 500 kV Sơn La - Lai Châu, Vũng Áng rẽ Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Bắc Ninh 2 - Phố Nối, các trạm biến áp (TBA) 500 kV Duyên Hải, Mỹ Tho. Bên cạnh đó, EVN NPT hoàn thành đưa vào vận hành các dự án nâng cao năng lực truyền tải hệ thống điện 500 kV để tăng cường cấp điện cho khu vực miền Nam. Các dự án 500 kV quan trọng khác như: TBA 500 kV Plâycu 2, đường dây 500 kV Duyên Hải - Mỹ Tho, TBA 500 kV Phố Nối, Đông Anh, nâng công suất TBA 500 kV Sơn La, đường dây 500 kV Đông Anh - Hiệp Hòa - Bắc Ninh 2... đang được khẩn trương thực hiện để đưa vào vận hành trong năm 2016 đúng theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
“Đến thời điểm này, hệ thống truyền tải điện Quốc gia đã khép kín mạch vòng 500 kV tại khu vực kinh tế trọng điểm ở cả miền Bắc và miền Nam”, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN NPT nhận xét. Hệ thống truyền tải điện đến nay đã kết nối mạch vòng 500 kV tại hai khu kinh tế trọng điểm của hai đầu đất nước như: Mạch vòng 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan - Thường Tín - Quảng Ninh - Hiệp Hòa - Sơn La ở khu vực miền Bắc, mạch vòng Phú Lâm - Cầu Bông - Tân Định - Sông Mây - Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm ở khu vực miền Nam. Hoàn thành liên kết lưới điện miền Tây với miền Đông Nam Bộ qua đường dây 500 kV Nhà Bè - Ô Môn và Phú Lâm - Ô Môn...
Theo ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, tất cả các công trình lưới điện được đưa vào vận hành đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, từ đó phát huy tối đa hiệu quả của các nhà máy điện. Điển hình như lưới điện đồng bộ các nhà máy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Quảng Ninh, Mông Dương, Vũng Áng, Vĩnh Tân, Duyên Hải, Nghi Sơn cùng các dự án nhiệt điện và thủy điện trên địa bàn toàn quốc. Qua đó EVN NPT đã đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong việc đảm bảo cung cấp điện cho đất nước, đặc biệt là đảm bảo cấp điện cho khu vực miền Nam.
Quy mô hệ thống truyền tải điện tăng mạnh
Tính chung trong cả giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, giá trị khối lượng mà EVN NPT thực hiện đã đạt 74.632 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với khối lượng thực hiện giai đoạn 2008 - 2010, đáp ứng nhu cầu đấu nối các công trình nguồn điện, nâng cao vượt bậc năng lực truyền tải của hệ thống điện; đảm bảo cấp điện cho miền Nam và các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, giải quyết tình trạng quá tải về cung cấp điện cho nhiều địa phương và các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước. Độ tin cậy cung cấp điện được nâng cao.
Như vậy, sau 5 năm, quy mô hệ thống truyền tải điện Quốc gia đã tăng 57,5% về chiều dài đường dây, số lượng TBA tăng 42,7% và dung lượng máy biến áp tăng 81% nhưng số lượng lao động chỉ tăng 12% (từ 6.908 lên 7.734 CBCNV). Năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 8,07%/năm, bằng 1,19 lần so với bình quân chung toàn EVN (6,8%/năm) và bằng 2,12 lần so với mức tăng năng suất lao động chung cả nước (3,8%/năm).
Tại thời điểm 31/12/2015, EVN NPT quản lý 22.487,7 km đường dây từ 220 - 500 kV; 117 TBA từ 110 - 500 kV với tổng dung lượng máy biến áp là 62.327 mVA.
Theo ông Đặng Phan Tường, hệ thống truyền tải điện Quốc gia hiện nay tương đối hiện đại với đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm, dây dẫn siêu nhiệt, hệ thống tự động hóa TBA, hệ thống thu thập dữ liệu công tơ, hệ thống định vị sự cố, thiết bị giám sát dầu online... Các thiết bị với công nghệ hiện đại của các nhà sản xuất có uy tín trên thế giới đang được vận hành an toàn, tin cậy trên hệ thống. Công nghệ sửa chữa nóng, vệ sinh cách điện online đang được khẩn trương trang bị để triển khai tại tất cả các công ty truyền tải điện. Các Đề án Trung tâm điều khiển xa và TBA không người trực, Lưới điện thông minh cũng đang được EVN NPT khẩn trương xây dựng theo định hướng của EVN.
“Những kết quả này đã tạo đà cho hệ thống truyền tải điện Quốc gia phát triển theo hướng ngày càng hiện đại và bảo đảm chất lượng”, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN NPT chia sẻ.