Các giàn khoan trên mỏ Bạch Hổ, Liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Tái cơ cấu DNNN đang diễn ra chậm
Báo cáo “Đẩy mạnh Tái cơ cấu DNNN 2016-2020: Thực chất và hiệu quả” vừa được CIEM công bố chỉ ra rằng, quá trình cơ cấu lại DNNN đang diễn ra chậm với chất lượng thấp. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 5/2017, chỉ có 65 DNNN, 5 đơn vị sự nghiệp công lập được cổ phần hoá, công bố giá trị 38 doanh nghiệp (nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hoá) và đang xác định giá trị 107 doanh nghiệp.
“Tình hình cổ phần hoá từ năm 2016 đến nay diễn ra chậm, chất lượng chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện. Việc bán cố phẩn Nhà nước tiếp tục gặp khó khăn”, báo cáo nhận định. Nguyên nhân là chính sách bán cổ phần chưa có thay đổi, rất nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn, nên không thu hút được cổ đông bên ngoài và tái cơ cấu sở hữu.
Cũng theo CIEM, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước có 8 DNNN thua lỗ bị phá sản, thì từ năm 2016 đến nay chỉ có 1 doanh nghiệp phá sản. Số lượng này quá ít so với toàn bộ doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, cần phải phá sản.
“Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng trong đó, nguyên nhân chủ yếu do chủ nợ và người lao động đều không muốn phá sản”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) phân tích.
Ngoài ra, do nguyên nhân thất thoát tài sản của dự án, doanh nghiệp yếu kém nhưng chưa xác định trách nhiệm của ai. Bộ máy quản lý, cơ quan chủ quản kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và đặc biệt là có nhiều hình thức hỗ trợ để tránh phá sản DNNN. Bên cạnh đó, quan hệ thân hữu, lợi ích hiện nay đã được chính thức thừa nhận là nguyên nhân gây trì hoãn đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.
“Lợi ích của việc được giao quyền quản lý tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là quá lớn, có cơ hội để trục lợi nên dẫn đến tình trạng không muốn thay đổi, trì hoãn quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là tái cấu trúc quản trị”, ông Trung phân tích.
Điển hình là việc thực hiện chủ trương tách chức năng đại diện chủ sở hữu ra khỏi các bộ ngành, ủy ban nhân dân. Trong khi đang cổ phần hóa, thoái vốn để giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì một số doanh nghiệp cổ phần hóa lại phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn vậy là doanh nghiệp có vốn Nhà nước lại phình to sau cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng được các chuyên gia xác định là “kỷ luật tài chính, kỷ luật ngân sách chưa có dấu hiệu cải thiện những yếu kém” cũng như khuôn khổ quản trị doanh nghiệp chưa đầy đủ.
Đặc biệt, khi DNNN lâm vào khó khăn thì vẫn nhận được nhiều biện pháp hỗ trợ. Việc xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường thực hiện chưa có kết quả rõ nét. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, mất an toàn tài chính, nguy cơ đổ vỡ cao nhưng không bị xử lý.
Một thực trạng khác nữa là việc chuyển DNNN về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do vấn đề thực hiện kỷ luật thực thi ngân sách. Thậm chí có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn dưới luật tạo ra ngoại lệ cho DNNN, nhiều hình thức ưu tiên, ưu đãi tiếp cận nguồn lực như đất đai, tài chính vẫn diễn ra…
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ, “nếu quá trình tái cơ cấu DNNN được đẩy mạnh, hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn sẽ được đổ vào nền kinh tế, nó sẽ tạo ra một động lực tăng trưởng mới, tốc độ tăng trưởng có thể vượt mục tiêu đề ra. Nếu không có sự quyết tâm trong tái cơ cấu DNNN thì đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6-7% cũng là rất khó khăn”.
Đi vào thực chất và toàn diện hơn CIEM cho biết, mục tiêu tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam đến năm 2020 theo hướng cơ cấu lại ngành nghề, quản trị và hiệu quả - lợi nhuận - cạnh tranh, có 240 doanh nghiệp nhà nước cần sắp xếp lại trong giai đoạn này.
Trong số đó, 103 doanh nghiệp nhà nước cả Trung ương lẫn địa phương vẫn tiếp tục được duy trì. 31 doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần sở hữu chi phối, phần lớn là tập đoàn, tổng công ty quan trọng và 106 doanh nghiệp cổ phần hoá nhà nước giữ dưới 50% vốn.
Một trong những giải pháp hiệu quả nhất hiện nay được ông Nguyễn Đình Cung đưa ra là quản lý tốt nguồn lực Nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thậm chí lên 7-8% chứ không phải dùng các công cụ như tăng khai thác dầu thô, mở rộng đầu tư…
Hơn nữa, gánh nặng nợ quốc gia thông qua vay của DNNN chưa có dấu hiệu cải thiện. Nguyên nhân là do lợi ích của việc quản lý tài sản Nhà nước quá lớn nên nhiều cá nhân không muốn thay đổi, thậm chí trì hoãn tái cơ cấu DNNN. Theo đó, ông Cung cho rằng vấn đề lớn nhất của DNNN hiện nay chính là thiếu mô hình giám sát.
Cùng bàn về cơ chế giám sát, chuyên gia kinh tế Đặng Đức Đạm cho hay, thành lập Cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước là cần thiết. Song mô hình này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thảo luận đi đến thống nhất.
“Đã có văn bản yêu cầu các DNNN chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nhưng mà người ta cũng có giao đâu. Vì vậy, quá trình sắp xếp lại và cổ phần hoá DNNN khó có ai có thể làm được nếu không phải là cơ quan Nhà nước. Nhưng tái cơ cấu DNNN còn liên quan tới vấn đề quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Nói đến quản trị doanh nghiệp thì mô hình doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn rất nhiều”, ông Đạm phân tích.
Bên cạnh những gợi ý giải pháp trên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trước mắt cần khẩn trương tái cơ cấu lại danh mục tài sản nhà nước đầu tư nhằm thu hồi tối đa vốn nhà nước từ cổ phần hóa, đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả tái cấu trúc quản trị và các mặt hoạt động của DNNN.
TS. Trần Tiến Cường, chủ trì nhóm thực hiện báo cáo cho rằng, cần đưa hoạt động cổ phần hóa DNNN đi vào thực chất, toàn diện trong thời gian tới; trong đó, cần quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, là giải quyết đối với những doanh nghiệp lớn thua lỗ có nguy cơ đổ vỡ cao kết hợp phòng tránh thất thoát, tham nhũng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tăng cường chỉ đạo, hoàn thiện các cơ chế, quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ các bên liên quan trong quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là tập trung vào hoạt động cổ phần hóa để khắc phục tồn tại, hạn chế; hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch về tiến độ cũng như bảo đảm chất lượng cao, hiệu quả...
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước; đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện hoặc không thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp.