Tăng đàn động vật hoang dã nuôi cung ứng dịp Tết

Các chủ trại chăn nuôi thú hoang dã có kế hoạch tăng đàn từ trước nhằm chuẩn bị nguồn hàng cung ứng vào dịp Tết. Trang trại tổng hợp của anh Phạm Văn Duy, xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) đang nuôi gần 1.000 con thú hoang dã và bán hoang dã, đa số là nhím, cầy hương, rắn, cá sấu…Chủ trại cho biết, hiện nay thịt các loại thú này đang được xem là những món ăn đặc sản ở các nhà hàng, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết… nên đầu ra rất ổn định. Thêm vào đó, giá bán của các loại thú này thường rất cao, trong khi chi phí đầu tư lại khá thấp nên mang lại cho người nuôi một khoản thu nhập đáng kể.

Nghề nuôi lợn rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Trước mắt, trong dịp Tết Nguyên đán này, dự kiến sẽ có trên 300 con thú các loại sẽ được xuất bán. Anh Duy cho biết: “Hiện tại, 1 cặp nhím giống khoảng 6 đến 8 tháng tuổi bán với giá từ 12 - 14 triệu đồng mà vẫn không có đủ để cung cấp cho thị trường”. Ngoài nuôi nhím, cầy hương, rắn…, hiện tại trang trại của anh còn nuôi hơn 400 con cá sấu trong khu chuồng trại khang trang, đảm bảo an toàn. Theo tính toán của chủ trại, mỗi năm trang trại của gia đình cũng cho thu nhập vài trăm triệu đồng.

Nhận thấy nhiều nông dân đã đổi đời nhờ nuôi thú lạ, mới đây, anh Nguyễn Hữu Thiện, xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất) cũng đã đầu tư hàng chục triệu đồng nuôi trên 400 cặp bồ câu lai Pháp để bỏ mối cho các nhà hàng, trung bình mỗi tháng mang lại thu nhập trên 10 triệu đồng. Mới đây, anh Thiện tiếp tục đầu tư một khoản tiền lớn để gây thêm số lượng bồ câu trong trại.

Được biết, số lượng trang trại chăn nuôi thú hoang dã có qui mô lớn tại Đồng Nai không nhiều, nhưng số lượng các trại thú hoang dã, bán hoang dã có qui mô nhỏ, từ vài chục đến vài trăm con thì rất nhiều và ngày một tăng.

Theo thống kê của ngành kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 900 trang trại gây nuôi động vật hoang dã với hàng ngàn cá thể. Xét về khía cạnh kinh tế thì không phủ nhận việc nuôi thú hoang dã, bán hoang dã đã và đang mang lại lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, việc gây nuôi động vật hoang dã không thể tùy tiện mà nhất thiết phải được sự thẩm định và cho phép của các cơ quan chức năng. Bản thân người nuôi cũng cần có kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu về quản lý, kỹ thuật và ngăn ngừa dịch bệnh… Các hộ chăn nuôi sau khi được cơ quan chức năng thẩm định về chuồng trại và nguồn gốc con giống vẫn phải thường xuyên kiểm tra, gia cố chuồng trại, hoặc ao nuôi để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN