Do đó, tỉnh tiếp tục tăng cường nhiều giải pháp khai thác thủy sản theo hướng bền vững, đẩy mạnh công tác chống khai thác IUU, kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá ''3 không'' (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
Quản lý chặt chẽ hoạt động tàu cá
Cà Mau có đội tàu khai thác thủy sản hơn 4.330 phương tiện, trong đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hơn 1.550 phương tiện. Do ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, tiếp giáp với nhiều tỉnh trong khu vực nên công tác quản lý, kiểm soát hoạt động tàu cá cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các lực lượng tăng cường công tác phối hợp nhằm kiểm soát hiệu quả hoạt động tàu cá. Đại tá Lê Đình Sơn, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho hay, lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU, tàu cá ''3 không'' và việc phương tiện thủy nội địa trốn tránh ra biển khai thác thủy sản.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau tăng cường chỉ đạo các Đồn Biên phòng tích cực phối hợp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương khu vực biên giới biển thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân những quy định cơ bản của pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc cập cảng, rời cảng và truy xuất nguồn gốc hải sản trên địa bàn; phối hợp xác minh, xử lý nhanh vụ việc tàu cá mất tín hiệu kết nối trên ngoài khơi và trong bờ theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu, đề xuất việc xử lý vi phạm mất kết nối, tháo, vô hiệu hóa thiết bị VMS; trong quá trình xác minh, nếu phát hiện tội phạm thì chuyển hồ sơ đến Công an tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp huyện tập trung phối hợp, hỗ trợ các ngành liên quan trong công tác điều tra, xác minh xử lý vi phạm và thực thi các quyết định xử phạt IUU trên địa bàn quản lý.
Đề cập giải pháp quản lý tàu cá, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ đội Biên phòng và các đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm quản lý chặt chẽ đối với trường hợp tàu cá ra vào cửa biển, quan trọng là chủ động kiểm soát được thiết bị giám sát, phương tiện, con người hoạt động khai thác trên biển.
Cơ quan chức năng tỉnh cần định kỳ tổ chức kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân tàu cá nằm bờ, chụp hình ảnh đưa lên phần mềm số hóa IUU của tỉnh; kiểm soát chặt chẽ tại các Trạm Kiểm soát Biên phòng, kiên quyết không để tàu cá chưa đủ điều kiện ra biển hoạt động gắn. Tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về khai thác IUU.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh áp dụng phần mềm, số hóa hồ sơ quản lý tàu cá để theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, cảnh báo, nhắc nhỡ trên hệ thống giám sát hành trình nhằm góp phần hạn chế các hành vi vi phạm IUU, ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tập trung cao điểm nguồn lực
''Đến ngày 20/11/2024, tất cả địa phương ven biển phải xử lý dứt điểm các tàu thuộc diện ''3 không''. Trước mắt, đến cuối tháng 10 phải có cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các lực lượng chấp pháp trên biển và đơn vị, địa phương ven biển về quản lý tàu cá'', đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tại buổi chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bình Định về công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại điểm cầu tỉnh Cà Mau vào ngày 17/10 vừa qua.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu các địa phương không khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế, không tạo được sự chuyển biến đột phá thì sẽ rất khó gỡ cảnh báo ''Thẻ vàng'' tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, thậm chí nguy cơ cao bị nâng cảnh báo lên ''Thẻ đỏ''. Do vậy, không chỉ riêng tỉnh Cà Mau, mà các tỉnh Kiên Giang, Bình Định và một số địa phương ven biển cần tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo nêu trên, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau và các sở, ban, ngành tỉnh thể hiện quyết tâm, nêu cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác chống khai thác IUU. Đặc biệt là quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ và ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tại cơ quan, đơn vị của mình.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đang tập trung cao điểm nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Trong đó, cơ quan chức năng tỉnh mở các đợt cao điểm, có sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh trong công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ về chống khai thác IUU; tăng cường các giải pháp quản lý, giám sát tàu cá chặt chẽ hơn nữa thời gian tới, nhất là đối với nhóm tàu ''3 không''.
Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, giao trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng với việc thực hiện này. Lực lượng công an, biên phòng phối hợp chính quyền cơ sở tại các địa bàn trọng điểm để vừa tuyên truyền, vận động, vừa kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Công tác tuyên truyền cần tập trung phổ biến rộng rãi các nội dung, vấn đề, mức độ ảnh hưởng của khai thác IUU, cảnh bảo ''Thẻ vàng'' của EC, qua đó nhằm giúp ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng các nhóm tàu nguy cơ cao hiểu rõ và tự giác chấp hành tốt chủ trương, chính sách và các quy đinh của pháp luật về chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác chống khai thác IUU ở địa phương còn vướng một số khó khăn, bất cập. Do đó, tỉnh Cà Mau đề xuất các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị VMS tàu nhỏ hơn 15 mét đối với một số nghề đặc thù như nghề câu mực, bởi vì trong thực tế có nhiều tàu nhỏ hơn 15 mét vẫn vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tỉnh đề xuất Trung ương điều chỉnh quy định giảm thời gian đưa tàu cá vào bờ (mất kết nối 10 ngày phải đưa tàu vào bờ) để khắc phục tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài do lợi dụng quy định này; nâng cao chất lượng thiết bị VMS...
Các Bộ, ngành có liên quan tăng cường chỉ đạo công tác điều tra, phát hiện, xử lý những hành vi có dấu hiệu môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; hướng dẫn xử lý các hành vi môi giới tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép và theo dõi ngư dân bị nước ngoài bắt giữ được trao trả về nước để phòng ngừa các trường hợp tái phạm.
Cà Mau kiến nghị xem xét bố trí vốn ngân sách Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đối với các dự án ưu tiên của tỉnh Cà Mau thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030 và Dự án đóng mới 02 tàu kiểm ngư; bố trí kinh phí để tỉnh Cà Mau đầu tư cảng cá phía bờ Nam Sông Đốc nhằm đáp ứng được nhu cầu cập, rời cảng để bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ khu neo đậu tránh bão góp phần khắc phục cảnh báo ''Thẻ vàng'' của EC.