Cuối tháng 9/2019, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Vĩnh Kim là một trong ba xã đầu tiên ở Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để có kết quả này, thời gian qua xã Vĩnh Kim đã tập trung nâng cao thu nhập cho người dân, thông qua việc phát triển cây trồng chủ lực; trong đó, chú trọng sản xuất ném gắn với xây dựng thương hiệu.
Xã Vĩnh Kim có hàng trăm hộ dân trồng ném (một loại cây gia vị) với gần 100 ha, cho thu nhập từ 120 - 140 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
Theo đại diện UBND xã Vĩnh Kim, thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới chỉ còn 0,9%.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Ném Vĩnh Linh” cho Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Kim. Ném ở xã Vĩnh Kim là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện Vĩnh Linh đăng ký thành công thương hiệu, nhằm đảm bảo về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh, tạo thu nhập ổn định cho người sản xuất.
Các xã thuộc vùng Cùa của huyện Cam Lộ gồm: Cam Chính, Cam Thành và Cam Nghĩa cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã này có chung thương hiệu “Gà Cùa” nổi tiếng, bởi gà được nuôi thả ở vùng gò đồi, dưới những vườn cây công nghiệp dài ngày như: cao su, hồ tiêu.
Trong những khu vườn này, ban ngày gà Cùa tự tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên, đến tối tìm đến những cành cây để ngủ. Phương thức nuôi gà Cùa chăn thả tự nhiên, giúp người dân ít tốn công chăm sóc và quan nhất là tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thịt gà rất ngon. Do đó, gà Cùa rất được thị trường ưa chuộng, có giá bán cao và ổn định từ 100.000 - 110.000 đồng/kg.
Hiện nay, vùng Cùa của huyện Cam Lộ có khoảng 90.000 con gà, sản lượng gần 100 tấn/năm, cho doanh thu gần 5 tỷ đồng. Địa phương này phấn đấu đến năm 2020, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm mang thương hiệu “Gà Cùa” với khoảng 40 - 50 tấn gà thịt/năm.
Ông Lê Anh Chương, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ cho biết, địa phương tập trung hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng thương hiệu “Gà Cùa”, thông qua tập huấn kỹ thuật về nuôi gà, đảm bảo an toàn thực phẩm… nhằm nâng cao giá trị cho đặc sản của địa phương.
Tại Quảng Trị, việc trồng, chế biến gắn với xây dựng thương hiệu đối với những cây dược liệu cũng đã và đang phát huy hiệu quả. Điển hình là chè vằng, cây trồng nổi tiếng ở vùng đất Quảng Trị từ hàng chục năm qua, tập trung ở thành phố Đông Hà và các huyện: Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và Hải Lăng với khoảng trên 60 ha, cho sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm.
Trước đây, người dân trồng chè vằng chỉ hái lá tươi đem bán. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã ứng dụng công nghệ để sản xuất thương mại chè vằng hòa tan với thương hiệu “Tralavang”. Hiện nay, sản phẩm “Tralavang” được thị trường rất ưa chuộng, bởi ngoài làm nước uống, sản phẩm này còn hỗ trợ chức năng gan, kháng viêm, thải độc chống lão hóa.
Tương tự, tỉnh Quảng Trị cũng đã trồng được 30 ha cà gai leo cho tổng sản lượng khoảng 72 tấn/năm. Tỉnh cũng đã sản xuất thương mại sản phẩm từ cà gai leo kết hợp với nấm linh, có thương hiệu “Cà gai leo – linh chi hòa tan Cagali”. Ngoài công dụng làm nước uống, sản phẩm “Cà gai leo – linh chi hòa tan Cagali” còn hỗ trợ cho người bị các bệnh về gan nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Việc phát triển các loại sản phẩm là đặc sản của các địa phương, gắn với xây dựng thương hiệu đã và đang góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, bảo tồn nguồn gen quý và quảng bá sản phẩm. Điển hình là các thương hiệu: Rau xà lách xoong ở huyện Gio Linh, dưa hấu Vĩnh Tú ở huyện Vĩnh Linh, đậu đen xanh lòng ở huyện Triệu Phong, bánh ướt Phương Lang và nước mắm Mỹ Thủy ở huyện Hải Lăng.
Đến tháng 10/2019, tỉnh Quảng Trị đã có gần 190 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý, 16 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận, còn lại là các nhãn hiệu hàng hóa khác
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, tỉnh hiện có 35 sản phẩm có thế mạnh tham gia chương trình “mỗi xã sản phẩm”. Ngoài ra, tỉnh còn có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển tham gia chương trình này.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa 35 sản phẩm thế mạnh; phát triển mới 15 sản phẩm; có ít nhất 3 sản phẩm đạt “5 sao” cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt “5 sao” cấp quốc gia; đồng thời hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp.
Dự kiến nhu cầu kinh phí để thực hiện mục tiêu trên là hơn 98 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương gần 18 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và nguồn khác.
Vấn đề tồn tại hiện nay trong thực hiện chương trình “mỗi xã sản phẩm” là không ít sản phẩm vẫn sản xuất theo phương pháp thủ công, chưa chú trọng ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các chủ cơ sở sản xuất thiếu kinh phí đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu và công bố chất lượng sản phẩm; thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, một số sản phẩm xuất khẩu sang Lào và Trung Quốc.
Theo nhiều chủ cơ sở sản xuất, vấn đề cấp bách nhất hiện nay của họ là cần được hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Minh chứng là sản phẩm cá hấp phơi khô ở huyện Gio Linh đã nổi tiếng từ nhiều năm qua. Thế nhưng trong năm 2019, các chủ cơ sở sản xuất lâm vào cảnh lao đao, do thương lái Trung Quốc ngừng thu mua cá hấp phơi khô. Lý do thương lái Trung Quốc đưa ra là sản phẩm này không có truy xuất nguồn gốc xuất xứ và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, để phát triển bền vững sản phẩm cá hấp phơi khô, địa phương đang hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đồng thời xây dựng thương hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm cá hấp phơi khô.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, để thực hiện hiệu quả chương trình “mỗi xã sản phẩm”, tỉnh đang tiến hành đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 400 cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, xã và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình.
Bên cạnh đó, các làng nghề, tổ chức sản xuất sản phẩm thế mạnh, cũng được xem xét hỗ trợ để sản xuất tập trung theo vùng quy hoạch, nhằm hạn chế ảnh hưởng môi trường, đồng thời xây dựng thương hiệu, quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm.