Tách hộ khẩu để giảm tiền điện, có cần lắp thêm công tơ?

Giá điện tăng cao và tính theo bậc thang nên nhiều hộ gia đình đông người đã tính đến phương án tách hộ khẩu để được hưởng đơn giá điện ở mức thấp. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc có cần phải lắp thêm công tơ riêng?

Gia đình ông D.V.T ở Thanh Trì, Hà Nội có 5 thành viên. Sắp tới, con trai đầu của ông sẽ lấy vợ, ông tính sẽ tách hộ khẩu riêng cho hai vợ chồng con trai.

"Bây giờ chi phí điện nước đều tăng lên, lại tính theo bậc thang. Nếu không tách riêng hộ khẩu thì chi phí điện nước nhà tôi sẽ ngày càng tăng mạnh, thiệt hơn nhiều các hộ có ít thành viên khác", ông T. phân trần.

Thực vậy, hàng tháng, gia đình ông đều chi đến gần 1 triệu đồng tiền điện. Với cách tính giá điện mới, chi phí điện hằng tháng sẽ còn tăng cao hơn từ tháng 12 này.

Công nhân Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội chốt chỉ số công tơ điện. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Thực tế, không ít hộ sử dụng điện sinh hoạt đã tách thêm hộ khẩu để giảm mức sử dụng điện lũy tiến theo cách tính giá điện bậc thang. Về mặt pháp luật, điều này cũng không có gì vi phạm. Theo quy định, chỉ cần sổ hộ khẩu, phiếu báo thay đổi hộ khẩu - nhân khẩu và đồng ý bằng văn bản của chủ hộ là từ một hộ khẩu có thể tách ra nhiều hộ khẩu khác dưới dạng hộ ghép cùng một địa chỉ. Và ngành điện lực phải cấp thêm định mức cho các trường hợp này.

Tuy nhiên, một số người dân còn băn khoăn, khi tách hộ khẩu vậy có cần phải lắp công tơ điện riêng cho từng hộ không. Về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 về thực hiện giá bán điện, mỗi hộ gia đình trong 1 tháng được áp dụng 1 định mức sử dụng điện sinh hoạt. Trường hợp bên mua điện sinh hoạt có nhiều hộ sử dụng điện chung công tơ điện (có hộ khẩu riêng) thì định mức của hóa đơn tiền điện sẽ bằng định mức của từng bậc thang nhân với số hộ sử dụng chung công tơ.

“Như vậy các hộ sinh hoạt chung tại một địa điểm không cần phải lắp đặt nhiều công tơ vẫn được hưởng đầy đủ định mức điện của các bậc thang, tương ứng với số hộ sử dụng chung công tơ”, đại diện EVN cho hay.

EVN khuyến nghị: Các hộ gia đình có chung 1 địa điểm sử dụng điện sẽ ký 1 hợp đồng mua bán điện và chỉ lắp đặt 1 công tơ để tránh lãng phí cho ngành điện lực và khách hàng do phải lắp đặt thêm công tơ điện.

EVN hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng chung công tơ, khi có nhu cầu thay đổi định mức điện, khách hàng chỉ cần gửi yêu cầu dịch vụ và cung cấp cho ngành điện lực bản sao của một trong các loại giấy tờ: Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc xác nhận công an quản lý địa bàn cho các hộ gia đình dùng chung tại địa điểm sử dụng điện. Phía điện lực sẽ thực hiện kiểm tra, xác minh các thông tin do khách hàng cung cấp và tiến hành ký xác nhận thay đổi trong vòng 3 ngày làm việc.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Từ ngày 1/12, tăng giá bán lẻ điện lên hơn 1.720 đồng/kWh
Từ ngày 1/12, tăng giá bán lẻ điện lên hơn 1.720 đồng/kWh

Bộ Công Thương vừa công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2017 từ ngày 1/12. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân tăng lên mức 1.720,65 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tăng 6,08% so với giá hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN