Theo đó, hoạt động kinh doanh sôi động, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân có xu hướng tăng. Giá cả các loại dịch vụ, hàng hóa về cơ bản có tăng nhẹ do sức mua tăng nhưng phù hợp với quy luật thị trường trong dịp này, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ gây mất ổn định thị trường.
Ghi nhận của AEON Việt Nam cho thấy, nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng từ 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt đối với tất cả các nhóm sản phẩm thiết yếu mùa Tết. Đặc biệt, nhóm sản phẩm thực phẩm khô tăng khoảng 20%, giỏ quà Tết tăng khoảng 15%. Các mặt hàng bán chạy trong dịp này bao gồm lạp xưởng tại khu vực phía Nam, các giỏ quà Tết gói sẵn và giỏ quà cá nhân hóa, cho phép khách hàng tự lựa chọn và sắp xếp sản phẩm theo nhu cầu.
Đại diện AEON Việt Nam cho hay: Để phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm của khách hàng, từ ngày 24/1(tức ngày 25 tháng Chạp) đến 27/1 (tức ngày 28 tháng Chạp), các Trung tâm Bách hóa Tổng hợp và siêu thị AEON mở cửa sớm từ 7h sáng, đóng cửa lúc 23h tại khu vực phía Bắc và Huế, và lúc 22h30 tại hầu hết các trung tâm phía Nam.
Riêng ngày 28/1 (tức ngày 29 tháng Chạp), giờ hoạt động kéo dài từ 7h sáng đến 20h (phía Bắc và Huế) hoặc 19h (phía Nam). Ngày mùng 1 Tết, các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON mở cửa từ 11h đến 22h. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, hệ thống Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON trở lại hoạt động bình thường từ 8h đến 22h.
Hệ thống siêu thị AEON MaxValu tại khu vực phía Bắc cũng phục vụ khách hàng xuyên Tết từ 6h đến 22h. Khách hàng có thể truy cập fanpage AEON Việt Nam tại địa chỉ https://www.facebook.com/AeonVietnamPage hoặc website aeon.com.vn để cập nhật chi tiết lịch hoạt động của các trung tâm gần khu vực sinh sống.
Bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc Thu mua khu vực phía Bắc cho hay: Tại các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON cung cấp đầy đủ chủng loại sản phẩm, từ các mặt hàng truyền thống như gà cúng, cá chép đỏ, giỏ quà ngũ quả, tháp tài lộc, bánh chưng, bánh tét, đến các sản phẩm hiện đại như thực phẩm sơ chế sẵn, sét lẩu, thực phẩm đông lạnh - phù hợp với lối sống bận rộn của nhiều gia đình ngày nay.
Nhằm mang tới cho khách hàng trải nghiệm mua sắm an tâm với mức giá hợp lý, AEON Việt Nam mang đến hàng loạt chương trình khuyến mãi đặc biệt. Nhiều sản phẩm sẽ được giảm giá lên đến 40%, tập trung vào các mặt hàng như quà Tết cao cấp, xúc xích, trái cây nhập khẩu và thực phẩm mới ra mắt.
Còn tại hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+/WiN ghi nhận lượng khách đến mua sắm tại hệ thống WinMart/WinMart+/WiN bắt đầu tăng và dự kiến trong những ngày tới, nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ khi Tết Nguyên đán cận kề. Các mặt hàng được ưa chuộng chủ yếu là hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, nước giải khát... với phân khúc giá tầm trung, phù hợp với xu hướng sắm Tết sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý.
Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và tạo ra sự khác biệt cho các giỏ quà Tết của WinMart, bên cạnh các giỏ quà truyền thống được đóng sẵn phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau theo sở thích và ngân sách riêng. Đặc biệt, khách hàng khi mua giỏ quà với số lượng lớn còn được chiết khấu lên tới 7,5%. Ngoài ra, hệ thống còn triển khai hình thức mua sắm qua website https://winmart.vn/ để mang đến cho khách hàng trải nghiệm tiện lợi, cũng như triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn với các mã giảm giá dành riêng cho khách hàng mua sắm online để kích cầu tiêu dùng.
Theo Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp trước trong và sau Tết nguyên đán Ất Tỵ, hệ thống siêu thị BRGMart đã phối hợp với nhà cung cấp dự trữ hàng hóa Tết tăng gấp 2-3 lần so với các tháng trong năm; đảm bảo hàng hóa phong phú, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch nguồn gốc, tốt cho sức khỏe của khách hàng và bình ổn giá thị trường. Với chủ đề “Rồng rắn lên mây, Tết đầy ưu đãi 2025”, siêu thị BRGMart tưng bừng triển khai chương trình bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 diễn ra đến hết ngày 28/1/2025 với hàng nghìn ưu đãi lên tới 50%.
Trước đó, liên tục trong tháng 1/2025, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp về cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ tiêu dùng dịp Tết. Đến nay, về cơ bản, các địa phương đã đảm bảo đủ nguồn cung hàng Tết. Các doanh nghiệp cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng.
Báo cáo của TP Hồ Chí Minh cho thấy, để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết…Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động xuyên suốt Tết.
Đối với địa bàn Hà Nội, thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số Doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 22 đơn vị tham gia; trong đó, có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, BRG Mart…
Hiện nay, các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn hàng tăng trung bình từ 5%-20% theo từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024; tăng cường 30%-35% hàng hóa tại các điểm bán sẵn sàng phục vụ của người dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 85%- 90%); lượng hàng hóa luân chuyển về các chợ đã tăng 15%-20% so với ngày thường.
Đến nay đã có 1.313 địa điểm thông tin giờ mở cửa bán hàng phục vụ nhân dân từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết; hướng dẫn, tiếp nhận các chương trình khuyến mại trong dịp Tết Nguyên đán của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội nghiệp vụ ứng trực 24/24 bám sát địa bàn để kiểm tra, kiểm soát thị trường, có biện pháp đấu tranh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật tránh tình trạng tư thương lợi dụng Tết Nguyên đán tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là an toàn thực phẩm trong dịp Tết.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nhìn chung nguồn cung hàng hóa tại địa phương tương đối ổn định, đủ sức phục vụ sức mua tăng cao 10 – 20% trong dịp Tết cổ truyền dân tộc. Mặc dù không thể tránh khỏi một số mặt hàng có giá cả tăng nhẹ trong dịp Tết, nhất là các mặt hàng đầu vị như thịt lợn thăn, thịt bò tươi, thuỷ hải sản cao cấp, rau và hoa quả đặc biệt trong dịp Tết … nhưng chỉ là xuất hiện không phổ biến, mang tính cá biệt cả về thời gian và mặt hàng đối với xã hội, không làm ảnh hưởng chung đến không khí mua sắm Tết của đa số các gia đình trong dịp này.
Do đó, các Sở Công Thương tỉnh thành phố cần có chỉ đạo thường xuyên với hệ thống phân phối để đảm bảo không bị thiếu hàng, giá cả tăng quá cao làm ảnh hưởng đến túi tiền người tiêu dùng. Sự liên kết phối hợp giữa các địa phương, nắm thông tin kịp thời để điều động hàng hoá kịp thời, hiệu quả để nhân dân cả nước yên tâm đón Tết an vui.