GIẢI PHÁP TĂNG SỨC CẠNH TRANH
Trước đây, khi hàng ngoại vào thị trường Việt Nam bị áp thuế, hàng Việt có thể cạnh tranh được về giá. Nhưng nay, khi phải cạnh tranh sòng phẳng trên sân nhà, hàng Việt lại bộc lộ nhiều điểm yếu về giá, chất lượng, mẫu mã, thương hiệu…
Nghẽn khâu phân phối, hàng Việt “đội giá”
Đã có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực phân phối – bán lẻ, chuyên gia Vũ Vinh Phú phải thốt lên rằng: “Hàng thực phẩm của chúng ta đang cao ở mức vô lý. Người tiêu dùng phải chịu mua giá quá cao so với giá trị thực. Một kg cà chua tại ruộng chỉ mấy nghìn đồng mà vào siêu thị giá tăng lên mấy chục nghìn đồng. Chúng ta phải hạ giá xuống nếu muốn cạnh tranh”.
Hiện nay, tại các siêu thị ở Hà Nội, khu bán thực phẩm tươi sống xuất hiện rất nhiều các loại thịt ngoại, từ trâu Ấn Độ, bò Úc đến gà Mỹ, gà Hàn Quốc. Một số bà nội trợ thẳng thắn nêu ý kiến: Thịt ngoại bán ở siêu thị có hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên dùng tin tưởng hơn thịt bán tại các chợ. Giá lại rẻ hơn thịt trong nước không có lý do gì lại không mua.
Táo Mỹ tràn ngập trong siêu thị Fivimart Đại La, Hà Nội. |
Tại siêu thị Big C, các loại thịt bò và gà Việt Nam dường như đang lép vế trước thịt ngoại. Đùi gà Mỹ niêm yết giá 35.500 đồng/kg, rẻ hơn cả gà luộc bán tại các chợ. Còn bò Mỹ đông lạnh 500 gram có giá 126.000 đồng/gói, rẻ hơn 10% so với thịt bò nội niêm yết trên bảng giá bên cạnh. Thịt bò Úc loại nhập về Việt Nam để giết mổ, sau khi trừ các chi phí, giá khoảng 170.000 -180.000 đồng/kg trong khi thịt bò nuôi tại Việt Nam giá trên dưới 200.000 đồng/kg.
Điều này không lạ bởi chi phí sản xuất cao, đặc biệt là khâu phân phối yếu kém đã khiến thịt nội phải trải qua nhiều tầng nấc trung gian khiến giá tăng lên cao. Theo số liệu của Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2015, giá thành sản xuất lợn thịt ở Mỹ thấp hơn 25 - 30% so với Việt Nam.
Với nhóm hàng dệt may, trong khi hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan thâm nhập đến từng chợ cóc, chợ lẻ, các cửa hàng thời trang khắp đường phố lớn nhỏ với giá bình dân thì hàng của doanh nghiệp (DN) Việt chỉ được bán ở một số đại lý chính hãng, hay một số trung tâm thương mại với mức giá cao hơn hẳn. Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang, DN cần coi thị trường nội địa là “bước thực tập” để chúng ta đi vào thị trường quốc tế.
“Đối với các DN dệt may, tại thị trường nội địa nên làm theo phương pháp OBM, tức là tự thiết kế, sản xuất, xây dựng thương hiệu và tổ chức hệ thống tiêu thụ, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, an toàn. Những năm qua, Đức Giang đã đầu tư rất lớn vào hệ thống phân phối, xây dựng các đại lý cũng như đưa hàng về nông thôn”, ông Dũng nói.
Tìm hướng đi thích hợp
Dạo một vòng cửa hàng tiện ích Daiso trong đại siêu thị AEON (Nhật Bản), có thể thấy các sản phẩm trong siêu thị này từ những vật dụng nhỏ nhất luôn hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu sống của các gia đình. Có những vật dụng rất thông minh như miếng dán sinh nhiệt, giá để ipad, trò chơi thông minh cho trẻ em… Những sản phẩm này tuy nhỏ, giá chỉ khoảng 40.000 đồng nhưng rất tiện ích nên vẫn thu hút người tiêu dùng.
Nhìn lại các DN Việt Nam, hầu hết có quy mô vừa và nhỏ - không đủ khả năng trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại, đầu tư thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm để gia tăng sức cạnh tranh. Không có nhiều DN như công ty nhựa Duy Tân, sau khi đầu tư máy móc, cải tiến chất lượng sản phẩm đã chiếm lại thị trường nhựa bị mất vào tay DN Thái Lan. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015 có hơn 71.000 DN phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động do sản xuất khó khăn. Trong 2 tháng đầu năm 2016, số DN đóng cửa cũng đã tăng 17% so với cùng kì. Điều đó cho thấy những sức ép “dội” vào DN Việt Nam không hề nhỏ.
Để cạnh tranh được, các DN buộc phải tìm cho mình những phân khúc riêng, hướng đi riêng. Tại Công ty CP Bao bì Hanopro với sản phẩm chủ đạo là băng keo, ông Phạm Ngọc Huy, Phó phòng Marketing cho biết: “Để tránh cạnh tranh trực diện với sản phẩm ngoại như 3M của Đức, Nitto Denko của Nhật, chúng tôi đã hướng đến phân khúc khách hàng bình dân hơn. Hàng ngoại có chất lượng tốt hơn nhưng giá cũng cao hơn nên những khách hàng bình dân sẽ cân nhắc khi chọn lựa”.
Trong bối cảnh khó khăn này, không còn cách nào khác là tự thân các DN phải vận động. Theo ông Hoàng Vệ Dũng, khi ta mở cửa thì chắc chắn hàng nước ngoài sẽ vào. Nếu chỉ thông qua các mệnh lệnh hành chính để bảo vệ hàng hóa trong nước thì không hiệu quả mà các DN phải tự tạo thêm thế mạnh.
“Người tiêu dùng sẽ tìm đến những DN và sản phẩm đáp ứng được cho họ về mẫu mã, chất lượng, dịch vụ tốt. DN dệt may lâu nay vẫn quen làm hàng gia công theo các thiết kế có sẵn của nước ngoài để làm hàng xuất khẩu mà chưa thực sự chú trọng đến phát triển ở thị trường nội địa. Thời gian tới, để chiếm lĩnh thị trường nội địa, DN dệt may Việt Nam phải đầu tư nhiều cho thiết kế, mẫu mã và mở rộng mạng lưới phân phối”, ông Dũng nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Điều quan trọng nhất đối với DN là lựa chọn được sản phẩm của mình, sau đó là chiến lược cho sản phẩm để có cách đầu tư dài hạn, hiệu quả. Đặc biệt, cần tập trung vào khâu thiết kế mẫu mã, đổi mới công nghệ, quảng bá và bán hàng. “Chỉ một câu chuyện chiếc áo rất đẹp nhưng dùng 3 ngày cúc áo đã bung thì sẽ tạo ấn tượng xấu cho khách hàng”, ông Phong ví von.
Bài cuối: Còn nhiều tiềm năng khai thác thị trường nội