Trước cuộc đổ bộ nhanh và mạnh của hàng hóa nước ngoài từ thực phẩm đến hàng gia dụng, tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa Việt Nam đang phải chật vật để giữ được thị phần trên chính sân nhà.
Nguy cơ bị mất dần thị phần
Khi được hỏi về tỷ lệ hàng ngoại trong hệ thống của mình, đại diện các siêu thị đều đưa ra con số dao động 10 - 15%. Con số này cho thấy hàng Việt vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Tuy nhiên, chưa thể yên tâm về con số này vì ở nhiều loại hàng hóa, thị phần hàng ngoại ngày càng gia tăng.
Dạo qua một số siêu thị lớn như Big C, Lotte Mart, AEON… cảm giác chung của khách hàng khi ghé qua các khu vực bánh kẹo, đồ ăn là… hoa mắt. Đủ các chủng loại, mẫu mã nhưng chiếm tỷ lệ nhiều nhất, bắt mắt nhất vẫn là bánh kẹo ngoại. Malaysia có thương hiệu Royal British, Đức với Lambertz, Mỹ có Peperidge Farm... Đó là còn chưa kể đến bánh kẹo Nhật, Hàn, Thái, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia. Riêng siêu thị AEON còn chia riêng biệt khu vực bánh kẹo Hàn và bánh kẹo Nhật nên khách rất dễ lựa chọn.
Bánh kẹo Nhật Bản tràn ngập trong siêu thị AEON (Long Biên, Hà Nội). |
Chị Lê Bích Hạnh (quận 5, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi thường chọn bánh kẹo có mẫu mã đẹp, vừa túi tiền chứ không quan trọng là ngoại hay nội. Trước đây, hàng ngoại chỉ chiếm một góc nhỏ tại siêu thị nhưng nay thì tràn ngập. Nếu hàng nội và hàng ngoại giá tương đương nhau thì tôi sẽ chọn bánh kẹo ngoại vì mẫu mã trông bắt mắt hơn và khi đi biếu có cảm giác sang trọng hơn”.
Trong khi đó, ghé qua gian hàng gạo tại siêu thị Fivimart (Hoàn Kiếm, Hà Nội), phóng viên nhận thấy một nửa số gạo bày bán là gạo Thái Lan, bên cạnh những thương hiệu gạo nội quen thuộc như tám thơm, gạo Điện Biên. Theo đánh giá của người tiêu dùng, gạo Thái có độ dẻo và vị ngọt nhiều hơn gạo nội.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, hàng ngoại chỉ chiếm 10% trên toàn hệ thống nhưng con số này không bền vững. “Chỉ thời gian ngắn nữa tỷ lệ sẽ tăng lên 15% và hơn thế nữa khi các rào cản đối với hàng hóa nước ngoài dần được tháo bỏ. Đó là chưa kể một số nhóm hàng hóa như đồ gia dụng thì hàng Trung Quốc đang chiếm áp đảo gần 100%. Mặt khác, cần lưu ý, thị phần của nhiều nhóm hàng ngoại, như trái cây tuy tính về lượng có thể chưa nhiều nhưng tính về giá trị thì lại rất lớn. Chẳng hạn một 1 kg táo Mỹ bằng cả 10 kg táo Việt Nam”, bà Hậu phân tích.
Gạo Thái chiếm một nửa trong gian hàng gạo tại siêu thị Fivimart Lý Thái Tổ, Hà Nội. |
Đối với hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, khảo sát tại hệ thống siêu thị điện máy Trần Anh cho thấy, hàng hóa Việt Nam tại đây chiếm tỷ lệ khoảng 50%. Tuy vậy, ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing của siêu thị này cũng lưu ý rằng, con số đó bao gồm cả những sản phẩm được sản xuất tại các nhà máy đặt tại Việt Nam nhưng mang nhãn mác, thương hiệu nước ngoài như đồ điện tử của các nước như SamSung, LG, Panasonic… Nếu tính thuần túy những sản phẩm mang thương hiệu của Việt Nam thì tỷ lệ hàng Việt sẽ ít hơn nhiều.
Hàng ngoại không chỉ len lỏi vào siêu thị mà đang phát triển kênh phân phối riêng tại Việt Nam. Những cửa hàng chuyên đồ Thái, đồ Nhật với sản phẩm hàng tiêu dùng, gia dụng mọc lên ngày càng nhiều không chỉ ở đô thị mà về cả các vùng nông thôn. Đặc biệt là hàng Thái Lan, từ lâu đã len lỏi vào kênh phân phối chợ truyền thống thì nay đã có những kênh bán lẻ riêng. Đặc biệt là đồ nhựa, hóa mỹ phẩm Thái Lan rất được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.
Hàng ngoại thêm cơ hội khi thuế giảm
Lý giải việc người tiêu dùng có cảm giác hàng ngoại ngập tràn siêu thị trong khi đại diện các siêu thị công bố con số tỷ trọng chỉ 10%, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, các siêu thị luôn muốn bán được hàng và không loại trừ khả năng hàng ngoại với kinh nghiệm marketing của mình đã “soán” các vị trí đẹp, bắt mắt tại các quầy, kệ và đẩy hàng Việt vào những vị trí khuất hơn. Điều này không phải không có lý bởi để được bày tại các vị trí đẹp, nhà cung cấp phải đóng phí cho siêu thị. Hàng Việt Nam chủ yếu của các doanh nghiệp nhỏ lẻ nên rất có thể phải chịu lép vế.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong tháng 3/2016 ước đạt 1,97 tỷ USD. Cả quý I đã nhập 5,31 tỷ USD. Trước đây các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta như gạo, trái cây, thịt… các đơn vị sản xuất trong nước “một mình một ngựa”, có thể đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Nhưng nay nhiều nước cùng tham gia cung ứng thì cung sẽ tăng, trong khi cầu không tăng lên bao nhiêu. Việc bán hàng của doanh nghiệp trong nước sẽ khó khăn hơn.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú phân tích, hàng nghìn dòng thuế nhập khẩu hàng hóa giữa các nước ASEAN với Hàn Quốc, Nhật Bản đã về 0%, đó là lý do khiến hàng hóa các nước xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam trong thời gian qua. “Hàng ngoại có nhiều ưu thế vượt trội và tâm lý sính hàng ngoại của người dân vẫn còn lớn. Chắc chắn khi nhiều dòng thuế tiếp tục giảm về 0% thì hàng hóa ngoại nhập sẽ dần chiếm lĩnh thị trường trong nước”, ông Phú cho hay.
Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong đó, có 8 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Hàng Thái Lan, mặc dù không có FTA song phương với Việt Nam nhưng với lợi thế gần gũi về mặt địa lý và tâm lý ưa chuộng của người dân, nên theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng 10/2015, lượng hàng nhập khẩu từ Thái Lan đã tăng gần 15% so với tháng 1. Hàng nhập khẩu Thái Lan được cho là đang xếp thứ 2 chỉ sau Trung Quốc, được bày bán tại khoảng 8.600 cửa hiệu trên toàn quốc.
Bài 2: Giải pháp tăng sức cạnh tranh