Sửa đổi Luật Đấu thầu để phát huy quyền tự chủ của doanh nghiệp

Việc sửa đổi Luật Đấu thầu cần theo hướng "chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn doanh nghiệp nhà nước nhằm phát huy quyền tự chủ của doanh nghiệp" là ý kiến đồng tình của hầu hết đại biểu tham dự tọa đàm trực tuyến "Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và tác động đối với các doanh nghiệp" do Tạp chí Năng lượng mới tổ chức chiều 21/5.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm. Ảnh: petrovietnam.petrotimes.vn

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Minh, Trưởng ban cố vấn Tạp chí Năng lượng mới, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, việc thực thi Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã phát sinh một số bất cập như Luật Đấu thầu bị chồng chéo với nhiều luật khác; một số quy định về mua sắm chưa phù hợp với thực tế…

Theo đó, các vướng mắc này đang làm ảnh hưởng đến tính tự chủ của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, cũng như làm chậm tiến độ triển khai một số dự án. Chính vì vậy, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Chính phủ xây dựng, đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi để có thể trình lên Quốc hội.

Chia sẻ tại toạ đàm, Tiến sỹ Phan Ngọc Trung, nguyên thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, dự án tổ hợp lọc hoá dầu Long Sơn chính là một minh chứng về những vướng mắc này. Cụ thể, những vướng mắc trong hợp đồng góp vốn, cùng những quy định ràng buộc của Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp cũ chỉ cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được quyết định các dự án tối đa là 2.300 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD) trong khi con số này "chỉ là phần rất nhỏ" với một dự án dầu khí. Chính vì những vướng mắc này, PVN đã quyết định rút lui để các nhà đầu tư nước ngoài có thể triển khai dự án thuận lợi.    

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, việc sửa đổi Luật Đấu thầu lần này cần đảm bảo cân bằng lợi ích Nhà nước và cân bằng sự linh hoạt của hoạt động sản xuất kinh doanh và sự đa dạng của thực tiễn.

Trong rất nhiều trường hợp, khi công ty con có sở hữu trên 50% vốn của doanh nghiệp nhà nước thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân khá tương đương nhau. Do vậy, xét về mặt lợi ích, rất cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tư nhân để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm tính nhanh nhạy, vì lợi ích doanh nghiệp.

Thêm vào đó, hiện nhiều doanh nghiệp nhà nước nắm một phần vốn điều lệ cũng đã thiết kế những quy trình, thủ tục đấu thầu phù hợp, vừa đảm bảo sự nhanh nhạy kịp thời, vừa bảo đảm tốt nhất lợi ích của các cổ đông và của chính doanh nghiệp, vì vậy không nhất thiết phải áp dụng một quy trình cứng nhắc mà theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và cổ đông.

Với những lý do trên, ông Phan Đức Hiếu đề xuất chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn doanh nghiệp nhà nước, không nên mở rộng đối tượng đối với công ty con sở hữu trên 50% vốn doanh nghiệp nhà nước.

Trước các ý kiến lo ngại việc giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh theo hướng như vậy có thể dẫn tới rủi ro với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất để quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà hiện có cả một hệ thống pháp luật mà trực tiếp là Luật Doanh nghiệp với các nguyên tắc về quản trị công ty, có sự hiện diện của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có sự giám sát nội bộ, giám sát của cổ đông. Thêm vào đó, hiện hệ thống pháp luật còn có Luật chuyên ngành về quản lý và đầu tư phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng tình với ý kiến của ông Phan Đức Hiếu, Luật sư Nguyễn Thị Hoài Linh, nguyên Thẩm phán Tòa án Tối cao khẳng định, đề xuất chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn doanh nghiệp nhà nước trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ giúp phát huy được tính tự chủ của doanh nghiệp, phát huy được tính hấp dẫn của phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá, cũng như thúc đẩy tiến độ và hiệu quả của các dự án có phần vốn nhà nước.  

Liên quan về vấn đề này, trước đó, ông Dương Khắc Mai - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhận định: Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định "doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ"; đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã mở rộng đối tượng, theo đó "doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết". Do đó, việc quy định phạm vi điều chỉnh đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Đấu thầu hiện tại.

Nếu theo phương án điều chỉnh cả đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh nhiều so với luật hiện hành và như vậy không bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, quyền lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 của Luật Doanh nghiệp.

Anh Nguyễn (TTXVN)
Luật Đấu thầu (sửa đổi): 'Cú hích' cho sự minh bạch
Luật Đấu thầu (sửa đổi): 'Cú hích' cho sự minh bạch

Hoạt động đấu thầu từ trước đến nay vẫn là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm và nếu không được quản lý chặt chẽ, có thể gây nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN