Sửa đổi chính sách đất đai trong nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi người dân

Sáng 30/9, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển Cộng đồng nông thôn (CCRD) tổ chức hội thảo “Chính sách đất đai trong nông nghiệp – Đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2013”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Anh, Hiệu trưởng trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, bên cạnh những mặt tích cực, chính sách, pháp luật về đất đai hiện hành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng.

Đơn cử, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, việc thực hiện chưa thực sự gắn với tính công bằng, bền vững, hiệu quả và còn nhiều khó khăn, vướng mắc; Khung giá đất chưa phù hợp, chưa sát với thực tế giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường (đặc biệt là khu vực đất ven đô). Trong khi đó, biên độ giá đất khu vực nông thôn quy định còn rộng, dẫn đến còn nhiều khu vực chưa sát với thực tế; chính sách thu thuế từ các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê… chưa rõ ràng, chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai năm 2013, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan thực hiện và phiền hà cho người sử dụng đất…

“Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là yêu cầu cấp thiết để khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành chính sách pháp luật về đất đai”, ông Phạm Minh Anh cho hay.

Đồng tình với PGS.TS Phạm Minh Anh, PGS.TS Đỗ Thị Tám, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đất đai là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, là tư liệu sản xuất không thể thay thế trong nông nghiệp, là một yếu tố thiết yếu để thực hiện thành công xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, đời sống của người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn còn diễn ra; tài nguyên đất nông nghiệp đã giao chưa được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả. 

Theo PGS.TS Đỗ Thị Tám, hiện nay, việc phân loại đất nông nghiệp theo mục đích sử dụng chưa thống nhất giữa các luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường…). Có sự chồng chéo các mục đích sử dụng đất trong một khu vực. Chưa có bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng sử dụng đất cho các mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác nhau.

Còn ThS. Trương Quốc Cần (Viện Tư vấn phát triển KTXH Nông thôn và Miền núi) đánh giá, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, ông Cần cho rằng, còn có những vấn đề cần cải thiện hoàn thiện hơn ở một số nội dung để bảo đảm tính hiệu quả của pháp luật về đất đai. “Quy định về hệ thống thông tin đất đai, tiếp cận thông tin đất đai và công khai thông tin đất đai còn nhiều điểm chưa có sự đồng bộ giữa các phần. Nên bổ sung một khoản để phân loại rõ các nhóm thông tin đất đai và giới hạn tiếp cận thông tin đất đai, trong đó làm rõ danh mục các loại thông tin và mức độ tiếp cận với từng nhóm đối tượng’, ông Cần phân tích.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sâu vào các nội dung: bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai để phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại phải bám sát tinh thần Nghị quyết số 18- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; thực trạng tập trung, tích tụ đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay và giải pháp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững; Các kinh nghiệm một số nước trên thế giới về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đáp ứng phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, hiệu quả cao và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam cũng được các đại biểu chia sẻ.

Thu Trang/Báo Tin tức
Bỏ khung giá đất cần được xem là bước đột phá khi sửa Luật Đất đai
Bỏ khung giá đất cần được xem là bước đột phá khi sửa Luật Đất đai

Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến đã bỏ khung giá đất, tiếp tục sử dụng bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường do địa phương xây dựng và ban hành, dưới sự giám sát của Trung ương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN