Sự phục hồi mong manh trong Eurozone

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn chưa vượt qua được cuộc đại khủng hoảng 2008 và chưa thể đảm bảo một sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững.

Logo đồng euro phía trước trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB ở Frankfurt am Main, miền tây nước Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Đó là nhận định của tác giả Nicolas Baverez trong bài viết đăng trên nhật báo Le Figaro của Pháp. Kinh tế khu vực Eurozone đã có dấu hiệu cải thiện và lấy lại tốc độ tăng trưởng của đầu những năm 2000 với mức khoảng 1,8%/năm. Trong năm 2015, toàn khu vực đã tạo ra 2,2 triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 9,4%.

Thặng dư tài khoản vãng lai đạt tương đương 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và duy trì nợ công ổn định khoảng 92% GDP. Một số quốc gia có tỷ lệ nợ công cao như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy đã ghi nhận những dấu hiệu phục hồi tích cực.

Động lực lớn nhất cho sự phục hồi của khu vực Eurozone là yếu tố nội tại cùng với các chính sách kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông qua sự tái định hướng chiến lược ưu tiên cho chống giảm phát, thúc đẩy tín dụng và kích thích tiêu dùng.

Bên cạnh đó, xu hướng cải thiện của môi trường bên ngoài như giá dầu giảm, lãi suất thấp và đồng euro yếu đi so với USD cũng đã tác động đến sự phục hồi của khu vực Eurozone.

Tuy nhiên, ông Baverez cho rằng sự phục hồi của Eurozone rất mong manh và không đều. Nguyên nhân của tình trạng là do tình hình kinh tế quốc tế có nhiều diễn biến không thuận lợi như kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các cú sốc trên thị trường (tài chính, chứng khoán…) ảnh hưởng tiêu cực đến các nước mới nổi.

Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng rất khiêm tốn quanh mức 0,2%, tình hình tiêu dùng và chỉ số đầu tư toàn khu vực còn ở mức hạn chế khiến các nước phải đối mặt với tình trạng giảm phát. Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong việc đưa ra chính sách kinh tế có thể thích nghi với những cú sốc của năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone đã tác động nặng nề đến các doanh nghiệp và làm gia tăng thất nghiệp.

Sự phục hồi chậm chạp của hoạt động tín dụng cũng cho thấy sự yếu kém của lĩnh vực ngân hàng trong tiến trình tái cơ cấu và thể hiện những nguy cơ bất ổn tiềm ẩn trong hệ thống tài chính.


Hơn nữa, Eurozone còn chịu những nguy cơ tiềm ẩn xét về mặt chính trị. Trong tháng 7 tới, nếu các chủ nợ và Hy Lạp không đạt được thỏa thuận về khoản nợ 5 tỷ euro thì Hy Lạp có thể lại một lần nữa rơi vào nguy cơ vỡ nợ.

Bên cạnh đó, nguy cơ nước Anh ra khỏi EU, hay còn gọi là kịch bản Brexit, có thể khởi động tiến trình tan rã EU và làm tăng thêm nghi ngờ về tính bền vững của đồng tiền chung châu Âu. Mặt khác, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đã hạn chế tiến trình cải cách của nhiều quốc gia thành viên cũng như của cả Eurozone.

Yếu tố quan trọng dẫn tới sự phục hồi mong manh của kinh tế Eurozone là sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên khi thực hiện cải cách. Chính sự khác biệt này cũng tạo ra khoảng cách giữa các nước trong tiến trình phục hồi và khiến khu vực Eurozone khó có thể duy trì được sự phát triển ổn định và lâu dài.

TTXVN/Tin Tức
Giới chức châu Âu tạm "khóa sổ" Eurozone
Giới chức châu Âu tạm "khóa sổ" Eurozone

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis tuyên bố Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến sẽ không kết nạp thêm bất cứ thành viên mới nào trong vài năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN