Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Washington ngày 28/2/2025. Ảnh: AP/TTXVN
1. Trung Quốc ngày 30/4 đã thông qua Luật thúc đẩy kinh tế tư nhân, có hiệu lực từ ngày 20/5/2025. Là bộ luật cơ bản đầu tiên của Trung Quốc liên quan cụ thể đến phát triển kinh tế tư nhân, Luật thúc đẩy kinh tế tư nhân sẽ tối ưu hóa hơn nữa môi trường phát triển của kinh tế tư nhân, bảo đảm mọi loại hình tổ chức kinh tế có thể tham gia bình đẳng vào cạnh tranh thị trường, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh. Với hơn 57 triệu doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn 60% GDP của Trung Quốc.
2. Mỹ và Ukraine công bố ký kết một thỏa thuận kinh tế vào ngày 30/4, sau nhiều tuần Tổng thống Donald Trump gây sức ép buộc Kiev phải bồi hoàn cho Washington hàng tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế. Thỏa thuận mới sẽ thành lập một quỹ đầu tư để tài trợ cho công cuộc tái thiết Ukraine và "đảm bảo rằng các nguồn lực, tài năng và năng lực chung của hai nước có thể thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Ukraine". Phó Thủ tướng Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết Ukraine sẽ giữ toàn quyền sở hữu và kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên của mình.
3. Kinh tế Mỹ bất ngờ suy giảm 0,3% trong quý I/2025. Sự suy giảm của GDP phản ánh xu hướng gia tăng trong nhập khẩu, chi tiêu của người tiêu dùng chững lại và chi tiêu của chính phủ giảm. Tác động của chính sách thuế quan mới đối với tăng trưởng và lạm phát đang là một bài toán khó đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi Fed phải tìm cách duy trì giá cả ổn định và việc làm bền vững.
4. Sự cố mất điện ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày 28/4 có thể được phân loại là “sự kiện điện lực cấp độ 3”, mức nghiêm trọng nhất trong hệ thống cảnh báo sự cố điện năng của Liên minh châu Âu (EU). Giới chức Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang điều tra nguyên nhân vụ việc, bao gồm khả năng tấn công mạng hoặc phá hoại cơ sở hạ tầng. Ngân hàng RBC ước tính thiệt hại kinh tế do sự cố có thể vào khoảng 2,25-4,5 tỷ euro.
5. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4/2025 giảm mạnh nhất trong 16 tháng. Diễn biến này gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Chính phủ Trung Quốc cần có thêm các biện pháp kích thích kinh tế, giữa bối cảnh gói thuế quan đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp đặt đã chấm dứt hai tháng phục hồi liên tiếp của lĩnh vực công nghiệp ở Trung Quốc.
6. Giá vàng thế giới ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp, với mức giảm 2,6% trong tuần này, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dịu đi. Ông Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại City Index và FOREX.com dự đoán, giữa lúc nhu cầu trú ẩn an toàn đang lắng xuống, giá vàng có khả năng giảm xuống dưới mức 3.200 USD/ounce.
7. Mỹ ngày 2/5 đã chính thức chấm dứt chính sách miễn thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc có giá trị dưới 800 USD. Động thái này có thể gây tác động lớn đến các công ty thương mại điện tử phổ biến của Trung Quốc như Shein và Temu - những nền tảng cung cấp mặt hàng giá rẻ mà người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng. Theo Cơ quan Thống kê Mỹ, hàng hóa giá trị thấp từ Trung Quốc vào Mỹ có tổng giá trị khoảng 5,1 tỷ USD trong năm 2024.
8. Tập đoàn công nghệ IBM cam kết đầu tư 150 tỷ USD vào Mỹ trong vòng 5 năm tới. Đây là động thái mới nhất từ một doanh nghiệp công nghệ lớn nhằm ủng hộ nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Thông báo của IBM được đưa ra sau khi các “ông lớn” công nghệ khác như Nvidia và Apple cũng cam kết sẽ chi khoảng 500 tỷ USD mỗi công ty tại Mỹ trong 4 năm tới. IBM hiện đang vận hành một trong những hệ thống máy tính lượng tử lớn nhất thế giới.
9. Giá gạo tại các siêu thị ở Nhật Bản tăng tuần thứ 16 liên tiếp và cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù chính phủ đã cung cấp gạo từ kho dự trữ khẩn cấp ra thị trường nhằm bình ổn giá. Trong tuần kết thúc vào ngày 20/4, giá gạo trung bình ở mức 4.220 yen (29,38 USD)/5 kg. Theo thống kê của hãng tin Reuters, tổng lượng gạo nhập khẩu của các công ty tư nhân Nhật Bản trong năm nay dự kiến đạt ít nhất 45.000 tấn.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
10. Mỹ tái cơ cấu mạnh mẽ Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), với việc cắt giảm ngân sách khoảng 300 triệu USD trong tài khóa 2026 và đưa số lượng nhân viên về mức tương đương thập niên 1980, khi chỉ có khoảng 11.400 người, ít hơn 3.700 người so với hiện nay. Không chỉ EPA, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng đang trải qua đợt tái cấu trúc quy mô lớn. Theo thông tin trên tờ Washington Post ngày 2/5, CIA sẽ cắt giảm khoảng 1.200 nhân viên trong vài năm tới như một phần của chương trình cắt giảm nhân sự liên bang do Tổng thống Trump khởi xướng để hướng đến "hiệu quả và tiết kiệm".