Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội qua địa phận huyện Lương Sơn có chiều dài 7,9 km (Km16+300 - Km24+200) có tổng diện tích thu hồi thực hiện dự án 41,21 ha. Dự án thu hồi đất của 286 hộ gia đình, cá nhân thuộc 5 xóm: Suối Bu, Tháy Mỏ, Bằng Gà, Cột Bài và Chanh.
Theo báo cáo của UBND huyện Lương Sơn, huyện đã ban hành 6 quyết định thu hồi đất với tổng diện tích thu hồi 16,68 ha, đạt 40,47% diện tích đất thu hồi. Chi trả bồi thường, hỗ trợ cho 211 hộ số tiền gần 44,236 tỷ đồng trên diện tích 14,37 ha. Còn lại 19 hộ (2,31 ha) có quyết định thu hồi đất chưa chi trả số tiền trên 6,665 tỷ đồng. Đồng thời bàn giao cho nhà thầu thi công 4,25 km trên tổng chiều dài qua địa phận huyện Lương Sơn là 7,9 km, đạt 54% chiều dài toàn tuyến. Dự kiến sau khi thực hiện xong chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sẽ bàn giao thêm 3,6 km trước ngày 30/10/2024.
Kế hoạch vốn huyện được giao đến nay là 1.448,180 tỷ đồng (năm 2024 là 501,605 tỷ đồng). Dự kiến đến hết 31/12/2024 huyện sẽ giải ngân hết 501,605 tỷ đồng.
Tại buổi kiểm tra, chủ đầu tư và lãnh đạo UBND huyện Lương Sơn kiến nghị về việc xác định nguồn gốc sử dụng đất và xác định loại đất, quy chủ sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn bởi đất hiện trạng theo thời gian sử dụng đã thay đổi so với giấy chứng nhận sử dụng đất. Một số hộ chưa cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.
Việc đo đạc bản đồ giải thửa khi thực hiện quy chủ thửa đất trích đo các hộ cung cấp không kịp thời các thông tin, tài liệu, căn cứ pháp lý về quyền sử dụng đất. Diện tích giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích trích đo thực tế có sự sai lệch. Một số hộ đi làm ăn xa không quy chủ được thửa đất dẫn đến việc xác định nguồn gốc, loại đất, đối tượng sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó Luật Đất đai mới có hiệu lực, do đó các quyết định quy định của bộ ngành Trung ương về đơn giá bồi thường tài sản khi Nhà nước thu hồi đất đồng thời cũng hết hiệu lực theo quy định. Đến nay, UBND tỉnh Hòa Bình chưa ban hành các Quyết định thay thế các quyết định nêu trên.
Đối với phần diện tích thu hồi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tường Anh Hòa Bình, bên công ty không cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh việc tạo lập, sử dụng tài sản trên đất. Các cơ quan chuyên môn hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể phương án giải quyết.
Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo UBND huyện Lương Sơn, chủ đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục và đề nghị cấp thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất rừng nằm trong phạm vi thu hồi thực hiện dự án. Đồng thời phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện kê khai, kiểm kê và giải quyết kịp thời các vướng mắc đảm bảo việc kê khai, kiểm kê theo đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm đề nghị các sở, ngành, đơn vị thi công và UBND huyện Lương Sơn phối hợp chặt chẽ khẩn trương tháo gỡ bằng được những vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất rừng nằm trong phạm vi thu hồi thực hiện dự án.
Ông Liêm cũng đề nghị sớm xây dựng bộ đơn giá bồi thường thiệt hại về nhà, nhà ở, công trình xây dựng trên đất; cây trồng, vật nuôi khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở thực hiện bồi thường đảm bảo thi công dự án theo đúng quy định pháp luật và đạt mục tiêu tiến độ đề ra.
Đối với giai đoạn 2 của dự án, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các nội dung liên quan.
Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình, dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La giai đoạn 1 hiện nhà thầu đang tổ chức thi công trên toàn tuyến với 6 mũi thi công (4 mũi tại huyện Kim Bôi và 2 mũi tại huyện Lương Sơn). Cụ thể, đơn vị đang tổ chức thi công tại 18/20 vị trí cầu, 3 vị trí hầm chui dân sinh, cấu kiện đúc sẵn, cống bản lớn và hạng mục nền đường…
Đến thời điểm hiện tại dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội đã được bàn giao khoảng 15,17 km trên toàn tuyến, đạt khoảng 47,4%. Hiện còn nhiều vị trí bàn giao mặt bằng xen kẹp, do đó khó tiếp cận mặt bằng để thi công.