Theo dự kiến, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài khoảng 45,6 km, tổng kinh phí xây dựng, giải phóng mặt bằng hơn 17.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn tham gia của Nhà nước khoảng 8.530 tỷ đồng được bố trí từ ngân sách Trung ương và địa phương (bao gồm toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chi phí xây dựng…); vốn huy động từ nhà đầu tư trên 8.800 tỷ đồng.
Cao tốc qua tỉnh Bình Dương có điểm đầu tại đường Vành đai 3 (thuộc địa phận TP Thuận An), điểm cuối tại ranh giới Bình Dương và Bình Phước (Km52 +247 theo lý trình dự án), có quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, công trình giao thông cấp 1.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành xuất phát từ đường Vành đai 3 – TP Hồ Chí Minh đi trùng với đường ĐT.743, ĐT.747 đến trước cầu Khánh Vân (phường Khánh Bình, TP Tân Uyên), sau đó chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại, đi men Suối Cái và song song với đường ĐH.409 (thuộc TP Tân Uyên).
Dự kiến thời gian chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và thi công dự án từ năm 2023 – 2027, với diện tích đất sử dụng khoảng 322,5 ha. Cao tốc này dự kiến được thực hiện theo loại hợp đồng dự án PPP (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao - BOT).
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có ý nghĩa, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố an ninh quốc phòng của vùng Tây nguyên và Đông Nam bộ, do đó, tỉnh Bình Dương đề nghị cần sớm được đầu tư để tạo động lực phát triển, hạn chế tăng chi phí theo thời gian.
Theo rà soát của Bộ GTVT, dự án đang giao nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để triển khai các bước tiếp theo. Dự kiến, đoạn đi qua tỉnh Bình Dương khởi công đầu tháng 9/2024.