Thực tế này cho thấy, DN Việt Nam vẫn chưa quen và chưa sử dụng hiệu quả công cụ PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước.
14 năm chỉ có 4 vụ kiện thành công
Trong bối cảnh hàng hóa nước ngoài ồ ạt tràn vào nội địa nhờ những ưu đãi thuế quan, còn hàng Việt chưa đủ sức cạnh tranh ngay lập tức thì các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) rất cần thiết. Tuy nhiên hiện nay, chỉ có rất ít vụ việc áp dụng thành công các biện pháp PVTM, một phần bởi năng lực của các cơ quan thực thi còn hạn chế, phần nữa bởi doanh nghiệp (DN) còn khá thờ ơ.
Vụ việc đầu tiên khởi xướng điều tra tự vệ là của Tổng công ty Viglacera về mặt hàng kính nổi năm 2009. Trong vụ việc này, kính xây dựng chủ yếu từ ASEAN tràn vào Việt Nam do Việt Nam giảm thuế từ 5% xuống 0%. Điều tra cho thấy nhập khẩu tăng trưởng gần gấp đôi trong vòng một năm và Viglacera phải giảm sản xuất đến 50%. Tuy nhiên, kết luận nguyên nhân chính gây thiệt hại cho DN không phải do hàng nước ngoài ồ ạt tràn vào mà do nguyên nhân khác nên không đủ điều kiện áp dụng thuế tự vệ.
Phôi thép nhập khẩu đã được áp thuế tự vệ nhằm bảo vệ ngành thép trong nước. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
“Luật ra đời từ năm 2002, đến 2009 mới có vụ kiện PVTM đầu tiên nhưng cuối cùng vẫn không áp được thuế. Việc này gây ‘chùn bước’ cho DN trong nước”, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), xét về số lượng vụ việc PVTM thì ít nhưng xu hướng đã có sự tăng lên. Trong thời gian 2002 - 2014 mới có 3 vụ việc nhưng trong 2 năm 2015 - 2016 đã có 3 vụ việc được khởi xướng.
Tuy nhiên, đáng lo ngại, trong số 6 vụ việc khởi xướng thì có tới 4 vụ là kiện tự vệ. Đây là công cụ khẩn cấp nhằm loại bỏ trước mắt những thiệt hại do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, khi sử dụng biện pháp này nước áp dụng sẽ phải đối mặt với yêu cầu đền bù từ nước bị áp dụng. Do đó phải hết sức cân nhắc khi sử dụng biện pháp này.
Ngược lại, hai biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp thường được các nước phát triển sử dụng thì lại hầu như chưa được sử dụng tại Việt Nam. Nguyên nhân là do để áp dụng biện pháp này, cơ quan điều tra phải rất am hiểu về giá cũng như các chính sách kinh tế của các nước mà ta định áp dụng.
Theo điều tra thực hiện năm 2015 của VCCI với 1.000 DN, có đến 15% DN không biết đến công cụ PVTM, hơn 63% DN có nghe nói nhưng không hiểu sâu. Chỉ chưa đầy 2% DN đã tìm hiểu tương đối kĩ.
Tận dụng công cụ PVTM
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục QLCT khẳng định: Việc sử dụng các công cụ pháp lý là cần thiết để bảo vệ hàng hóa Việt Nam tại thị trường nội địa trước những hành vi cạnh tranh không công bằng của DN nước ngoài. Tuy nhiên, để việc áp dụng các biện pháp PVTM được thuận lợi, các DN cần tập hợp nhau lại thông qua các hiệp hội ngành hàng để tạo sức mạnh tổng thể.
“Chúng ta muốn nâng được số lượng các vụ kiện PVTM thì đầu tiên các DN phải am hiểu, làm hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý nhà nước, hồ sơ phải hợp lệ thì chúng tôi mới có thể có khởi xướng điều tra. Hiện nay, mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền và hỗ trợ DN nhưng các đơn, hồ sơ gửi tới Cục còn quá ít trong khi đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta khởi xướng các vụ điều tra PVTM”, ông Nam cho biết.
Còn theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương, xu thế chung là PVTM ngày càng được áp dụng nhiều hơn. Để thích ứng với điều này, điều kiện đầu tiên là cơ quan thực thi PVTM phải đủ năng lực. Tuy nhiên, Cục QLCT đang được giao quá nhiều việc song năng lực có hạn nên cần nghiên cứu để giảm bớt công việc cho Cục QLCT để tập trung vào PVTM.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phương Nam cho rằng ở nhiều nước phát triển, có hai cơ quan khởi kiện và cơ quan kháng kiện các vụ việc PVTM hoạt động độc lập. Còn ở ta, Cục phải đảm nhiệm cả hai nhiệm vụ này. Trong khi đó, lập hồ sơ khởi kiện chống bán phá giá hay chống trợ cấp là việc rất khó khăn, đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.
Có 3 biện pháp PVTM được áp dụng hiện nay trên thế giới, bao gồm: Biện pháp chống bán phá giá (áp dụng đối với hành vi thương mại không công bằng), biện pháp chống trợ cấp (áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ các nước xuất khẩu) và biện pháp tự vệ (công cụ khẩn cấp nhằm loại bỏ trước mắt những thiệt hại do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu). |