Đối với thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành thí điểm, đến nay đã có 99% (633/639) số điểm đo thuộc phạm vi ranh giới được thu thập trực tiếp từ xa về Trung tâm điều độ A0; Chất lượng số liệu đo đếm từng bước cải thiện, việc công bố, đối soát, xác nhận số liệu đo đếm từng bước đi vào khuôn khổ, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Đại diện Cục Điều tiết Điện lực - ông Lê Hồng Hải cho hay, thị trường điện đã giúp tăng tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu toàn hệ thống, tạo động lực và sự tin tưởng để thu hút các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Điều tiết điện lực, việc xác nhận số liệu đo đếm của các Tổng công ty điện lực cần thời gian thêm vì phạm vi số lượng số liệu đo đếm rất lớn, kiểm tra phương thức giao nhận điện năng khi có sự thay đổi lớn, cập nhật; xác nhận sản lượng của các nhà máy vùng sâu, vùng xa chậm do việc thu thập số liệu trực tiếp khó khăn dẫn đến việc xác nhận các bảng kê ngày chậm 2-3 ngày so với thời gian biểu quy định hiện hành.
Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin mới đáp ứng ở mức cơ bản, hệ thống SCADA chưa đầy đủ, gây hạn chế trong dự báo, lập kế hoạch, giám sát thị trường điện.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Nhiệt điện Hải Phòng, khi tham gia vào thị trường điện, doanh nghiệp ký hợp đồng bán buôn nên có nhiều thuận lợi trong việc chủ động lập kế hoạch. Như trong mùa khô, vừa có thể phát sản lượng cao và lợi nhuận cao, có kế hoạch trong sửa chữa máy. Mùa mưa, doanh nghiệp bố trí sửa chữa các tổ máy để phục vụ trong mùa khô phát công suất cao.
Đồng quan điểm này, ông Phùng Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 cũng cho rằng, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành đã giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong tính toán, lập kế hoạch vận hành cho các nhà máy, lập lịch huy động và bảo dưỡng sửa chữa.
Tuy nhiên, theo ông Sinh, đối với các nhà máy nhiệt điện, do chào giá theo chi phí biến đổi nên giá thị trường trong ngày thay đổi từng chu kỳ giao dịch, dẫn tới phải tăng giảm tải nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng tuổi thọ thiết bị và tăng nguy cơ sự cố.
Đối với các nhà máy thủy điện, khả năng vận hành tối ưu trong mùa lũ để giảm lưu lượng xả qua tràn cũng khó được đáp ứng trong các chu kỳ phụ tải thấp; Nhiều nhà máy phải chạy công suất thấp để điều chỉnh điện áp hệ thống trong các giờ thấp điểm hoặc các ngày có phụ tải thấp, gây ảnh hưởng đến doanh thu và tăng tỷ lệ điện tự dùng...
Vẫn còn dư địa
Mặc dù, số lượng các nhà máy điện và công suất các nhà máy điện tham gia thị trường điện tăng đáng kể, từ 31 nhà máy điện trực tiếp lên 87 nhà máy, nhưng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, số lượng này mới chỉ được 49% tổng công suất đặt hệ thống. Điều này cho thấy, vẫn còn có dư địa về pháp lý, cơ chế để đưa thêm các nhà máy tham gia vào thị trường điện.
Thực hiện lộ trình triển khai thị trường điện trong 2018, Bộ Công Thương đã triển khai thí điểm bán buôn điện cạnh tranh. Hiện Bộ Công Thương đang tích cực chuẩn bị cho bước tiếp theo, triển khai chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh 2019.
“Qua thí điểm, các đơn vị bước đầu đã làm quen thị trường bán buôn, chúng tôi đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đào tạo, các văn bản pháp lý cần thiết. Thời gian tới, chúng ta cần phải hoàn thiện sớm hành lang pháp lý cho thị trường bán buôn. Khó khăn lớn nhất là làm sao xây dựng cơ chế bù chéo cho các Tổng công ty Điện lực, vì hiện nay khâu phát điện - đầu vào chúng ta đã tiến hành thị trường, trong khi giá bán lẻ - đầu ra chúng ta vẫn tiếp tục điều tiết”, ông Tuấn nói.
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cũng cho hay, sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu của EVN tham gia thị trường điện.
“Tất nhiên còn liên quan đến vấn đề triển khai cơ chế bù chéo giữa các tổng công ty thế nào. Tiếp theo là nghiên cứu đưa các nhà máy năng lượng tái tạo như điện, gió... tham gia thị trường điện, có thể thí điểm, rút kinh nghiệm. Đây là cơ chế khó vì đây là các nhà máy có nguồn phân tán, phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng, phương thức điều độ... Bằng các giải pháp này thì sẽ tăng được số lượng các nhà máy tham gia thị trường điện”.
Tại buổi tổng kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, về thị trường điện, vẫn còn khá mới mẻ và nhiều việc cần phải làm. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để thị trường điện lực đưa vào vận hành đầy đủ các cấp độ, an toàn tin cậy, cung ứng điện đảm bảo hiệu quả kinh tế. Với các ý kiến từ các đơn vị, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu để hoàn thiện khung khổ pháp lý, đưa vào triển khai chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2019...