Thời điểm này, nhiều siêu thị đã khởi động chương trình khuyến mãi lễ 2/9, dự kiến kéo dài đến giữa tháng 9. Điểm đáng chú ý là năm nay, các doanh nghiệp bán lẻ đầu tư kinh phí lớn hơn, tung nhiều hoạt động hấp dẫn hơn mọi năm nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với khách hàng một cách thiết thực.
Bà Tạ Thị Minh Hợp, Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ cho biết, dự báo nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sẽ tăng cao trong 4 ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, hệ thống WinMart/WinMart+ đã có kế hoạch chủ động nguồn cung đầy đủ, dồi dào hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức chương trình khuyến mại áp dụng cho hàng trăm mặt hàng với mức giảm giá lên đến 40%.
Cụ thể, từ ngày 1/9, hệ thống WinMart/WinMart+ ra mắt chương trình "Hàng Tươi - Giá Tốt" với 4 sản phẩm chủ đạo giá rất tốt như gạo tẻ trắng Ngọc Nương 750g có giá 10.000 đồng/ túi, táo Braeburn NewZealand có giá 49.900 đồng/kg, thịt MeatDeli có giá 99.900 đồng/kg, O'lala trứng gà sạch hộp 10 quả có giá 29.500 đồng/ hộp. Theo hệ thống này, đây là những mặt hàng thiết yếu có mức giá rất tốt so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường.
Còn từ 1 - 14/9, hệ thống siêu thị Central Retail triển khai chương trình “Bán thịt lợn tươi không lợi nhuận” trên toàn bộ hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market. Chương trình áp dụng với khoảng 160 mã hàng của gam thịt lợn tươi - chủ lực tập trung vào các sản phẩm thường dùng cho mâm cơm gia đình như: Thịt đùi, thịt vai, cốt lết, nạc dăm, ba chỉ. Central Retail dự kiến, sản lượng tiêu thụ thịt lợn tươi trong thời gian áp dụng chương trình “bán thịt lợn tươi không lợi nhuận” khoảng 135-140 tấn.
“Gần đây, giá thịt lợn hơi trong nước lại tiếp tục tăng trở lại. Chúng tôi triển khai chương trình bán thịt lợn tươi không lợi nhuận, cam kết lợi nhuận bằng 0%, nhằm chung tay bình ổn giá thịt lợn. Hành động này cũng thể hiện sự đồng hành của doanh nghiệp đối với Chính phủ”, Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail cho biết.
Còn từ nay đến giữa tháng 9/2022, Aeon Việt Nam áp dụng nhiều ưu đãi khi mua sắm tại hệ thống với các sản phẩm thịt cá, rau củ quả; sản phẩm tiêu dùng nhanh giảm từ 20-50%; đồ gia dụng - điện máy giảm đến 50% từ các thương hiệu Tefal, Energizer, Toshiba, Sony… sản phẩm bánh trung thu có mức chiết khấu tốt để khách hàng lựa chọn.
Theo bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng Điều tiết cung cầu (Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), thị trường hàng hóa tháng 8 khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm thực phẩm tăng mạnh trong các dịp rằm tháng 7 và chuẩn bị cho dịp rằm Trung thu. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn. Mặt hàng thịt lợn sau thời gian có biến động tăng giá, sang tháng 8 đã ổn định trở lại.
Theo đại diện Tổ điều hành thi trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường hàng hóa vào giai đoạn cuối năm sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa, đi lại tăng. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã cơ bản hồi phục sau dịch bệnh COVID-19 cùng với sự giám sát, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành, nguồn cung hàng hóa sẽ bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá một số loại hàng hóa có thể có biến động tăng do ảnh hưởng của giá thế giới và chi phí sản xuất, kinh doanh tăng.
Chính vì vậy, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề xuất các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tổ chức tốt công tác thông tin dự báo để chủ động, bám sát thị trường trong công tác điều hành thị trường trong nước, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.
Đặc biệt, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước nhằm ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.