Siêu đô thị TP Hồ Chí Minh - Bài 2: Cần cơ chế đặc thù và đối tác chiến lược

Việc hợp nhất TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành TP Hồ Chí Minh mới không chỉ đơn thuần là một thay đổi hành chính. Đây là bước đi mang tính chiến lược, tạo tiền đề cho một siêu đô thị đa trung tâm, đóng vai trò trung tâm kinh tế - tài chính dẫn dắt toàn vùng phía Nam, với khát vọng vươn tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tầm nhìn này, TP Hồ Chí Minh mới cần một chiến lược phát triển tổng thể, những cơ chế đặc thù và sự đồng hành của các đối tác chiến lược từ khu vực tư nhân.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh mới được hình thành từ việc sáp nhập TP Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hợp tác mở rộng thị trường 

Việc hình thành TP Hồ Chí Minh mới tạo ra không gian phát triển liên vùng hiếm có, với quy mô dân số, thị trường và năng lực sản xuất vượt trội. Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thị trường tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh mới sẽ tăng gấp rưỡi hiện tại. Cùng với đó, các giao dịch giữa doanh nghiệp (B2B) sẽ phát triển mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu lớn về logistics, công nghệ, sản xuất và thương mại. Đây là cơ hội khá tốt cho các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh mới đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất thương mại... hướng đến mở rộng thị trường hàng hóa ra toàn vùng mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đức cũng cảnh báo, nếu thiếu cơ chế kết nối vùng và quản trị hiệu quả, tiềm năng phát triển trên có thể bị kìm hãm bởi sự phân mảnh hành chính và rào cản thể chế. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trước tiên, cần mở rộng Nghị quyết 98, hiện đang được thí điểm tại TP Hồ Chí Minh cũ, ra toàn khu vực TP Hồ Chí Minh mới để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hỗ trợ nhà đầu tư trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp... có hàm lượng công nghệ cao phát triển toàn diện.

Trong khi đó, ông Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho biết, TP Hồ Chí Minh mới cần một “sa bàn phát triển” rõ ràng. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh mới cần quy hoạch cụ thể từng khu vực: nơi phát triển công nghiệp, nơi tập trung công nghệ cao, khu vực cho giáo dục và tài chính, để từ đó có các kịch bản phát triển dài hạn và hành động đồng bộ từ bây giờ. Nếu quản trị hiệu quả và quy hoạch đúng hướng, GRDP của khu vực này có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới.

Chú thích ảnh
Thị trường tiêu dùng TP Hồ Chí Minh mới ngày càng phát triển.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Viết Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vina CHG cho biết, TP Hồ Chí Minh mới là thị trường có quy mô dân số lớn nhất cả nước, với mạng lưới doanh nghiệp đa ngành nghề. Sự liền mạch về không gian và rút ngắn khoảng cách giữa các khu công nghiệp, công nghệ, trung tâm tiêu dùng và logistics sẽ hình thành một hệ sinh thái kinh doanh năng động, tạo lợi thế vượt trội trong thu hút đầu tư chiến lược.

Đồng quan điểm, ông Phan Liên, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam cho biết, nếu biết tận dụng hệ thống hạ tầng chiến lược như Sân bay Long Thành, cảng biển quốc tế và mạng lưới cao tốc, TP Hồ Chí Minh mới hoàn toàn có thể trở thành trung tâm tài chính - kinh tế hàng đầu khu vực. Một khi giao thông đồng bộ và chính quyền số hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và dễ dàng mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động.

Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, mô hình hợp tác công - tư (PPP) hiện nay còn nhiều bất cập. Thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro và kênh đối thoại minh bạch khiến khu vực tư nhân e ngại khi tham gia vào các dự án hạ tầng quy mô lớn. Vì thế, cần sớm thiết lập một cơ chế PPP hiện đại, trong đó nhà nước đóng vai trò kiến tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp ngay từ khâu quy hoạch, đầu tư cho đến vận hành. Việc tổ chức định kỳ các diễn đàn công - tư cũng là giải pháp cần thiết để xây dựng niềm tin chiến lược giữa hai khu vực.

Cần nền tảng hạ tầng hiện đại

Để xây dựng một siêu đô thị thực thụ, TP Hồ Chí Minh mới cần một nền tảng hạ tầng hiện đại, liên kết thông suốt giữa ba vùng: TP Hồ Chí Minh cũ - Bình Dương cũ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ. Theo ông Nguyễn Đức Trung, chuyên gia tài chính công, đầu tư công trong giai đoạn tới cần được phân bổ theo hướng tập trung và có trọng điểm. Thay vì dàn trải, ngân sách nhà nước nên ưu tiên cho các dự án hạ tầng then chốt như kết nối giao thông vùng, xử lý nước, rác thải, hệ thống y tế, giáo dục và logistics.

“Đầu tư công muốn tạo hiệu ứng lan tỏa thì phải gắn với quy hoạch tích hợp đa ngành và dài hạn, đồng thời huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh mới cũng cần đẩy mạnh việc cải thiện cơ chế giải ngân, rút ngắn thủ tục hành chính trong đầu tư công sẽ là chìa khóa giúp tăng tốc các dự án chiến lược", ông Nguyễn Đức Trung nói.

Đối với vấn đề hạ tầng giao thông, yếu tố được xem là “xương sống” của kết nối vùng, ông Lê Minh Dũng, chuyên gia giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, cần đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc và đường sắt trục chính như: TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 3, tuyến đường sắt metro TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Vũng Tàu... Đây là những công trình có vai trò đặc biệt trong kết nối các khu công nghiệp, cảng biển và trung tâm đô thị, từ đó hình thành chuỗi đô thị - công nghiệp - cảng biển liên hoàn với sức cạnh tranh quốc tế.

Chú thích ảnh
Hệ thống cảng hiện đại giúp cho vùng kinh tế phía Nam phát triển vượt bậc.

Theo ông Lê Minh Dũng, ngoài việc đầu tư xây dựng mới, TP Hồ Chí Minh mới cũng cần tái cấu trúc lại hệ thống giao thông nội đô, giao thông liên tỉnh để giảm tải, tối ưu chi phí logistics và nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa. Khi giao thông kết nối được tối ưu, không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi mà người dân cũng sẽ tiếp cận được các dịch vụ công, giáo dục, y tế thuận tiện hơn.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng phải có tầm nhìn tích hợp, thể chế linh hoạt, đầu tư công hiệu quả và mô hình hợp tác công - tư bền vững. Nếu có những cơ chế đặc thù phù hợp và chiến lược đúng đắn, TP Hồ Chí Minh mới hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - giáo dục - văn hóa tầm cỡ châu Á trong vòng 10 - 20 năm tới.

Chia sẻ về vai trò của TP Hồ Chí Minh mới, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, TP Hồ Chí Minh mới sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ hội mang tính lịch sử để hình thành một siêu đô thị có tầm vóc khu vực và quốc tế. Quy mô mới của TP Hồ Chí Minh có thể so sánh với Thượng Hải (Trung Quốc) - đây là tầm nhìn phát triển rất lớn và đòi hỏi quyết tâm chính trị, sự năng động, sáng tạo vượt bậc của toàn hệ thống chính trị. Sắp tới, TP Hồ Chí Minh mới không chỉ tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước mà còn cần phát triển nhanh, bền vững, chất lượng và đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo, nơi khởi phát nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng. Đặc biệt, không ai có lợi thế hơn TP Hồ Chí Minh để làm việc này. 

Tổng Bí thư cũng yêu cầu TP Hồ Chí Minh mới tiếp tục mở rộng không gian phát triển, kết nối chặt chẽ với các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long… để huy động tối đa lợi thế vùng về đất đai, lao động, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và văn hóa. Sự phối hợp này sẽ hình thành nên một không gian phát triển liên vùng, một cực tăng trưởng mới có sức cạnh tranh toàn cầu. Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh mới sẽ chỉ thành công nếu có sự hợp lực của cả vùng và khi TP Hồ Chí Minh phát triển, cả vùng phía Nam cũng sẽ thăng hoa. Đây là sứ mệnh của một siêu đô thị quốc tế - trung tâm kết nối, dẫn dắt và kiến tạo một không gian phát triển toàn diện cho cả khu vực phía Nam

Bài cuối: Hình thành trung tâm kinh tế số, xanh của vùng 

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc
Siêu đô thị TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Động lực mới cho phát triển vùng kinh tế phía Nam
Siêu đô thị TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Động lực mới cho phát triển vùng kinh tế phía Nam

Từ ngày 1/7, TP Hồ Chí Minh chính thức bước vào giai đoạn phát triển mới khi hợp nhất địa giới với hai địa phương năng động là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Với quy mô dân số và diện tích vượt trội, TP Hồ Chí Minh mới không chỉ trở thành siêu đô thị vùng đầu tiên của cả nước, mà còn mở ra kỳ vọng về một cực tăng trưởng đa ngành, đa trung tâm, dẫn dắt nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN