Đánh giá kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-ĐU ngày 10/11/2022 của Đảng uỷ Cục Đường bộ Việt Nam về tăng cường các giải pháp để đảm bảo chất lượng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, ông Trần Hưng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các đơn vị đã rà soát 826 dự án, công trình thực hiện và hoàn thành từ đầu năm 2022 đến hết tháng 6/2023. Bên cạnh đó, đã kiểm tra tổng quát 268 dự án, công trình.
Qua kiểm tra cho thấy, việc quản lý chất lượng được nhà thầu thực hiện, cơ quan giám sát là nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện. Phần lớn báo cáo của các đơn vị đánh giá dự án được triển khai bảo đảm chất lượng theo quy định. Một số báo cáo cũng cho thấy kết quả kiểm tra có dự án còn tồn tại, hạn chế về chất lượng nhưng đã được phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục.
Năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn việc thực hiện kiểm tra chuyên sâu chất lượng thông qua sử dụng tư vấn độc lập thu thập mẫu, đo đạc, đánh giá kết quả thực hiện dự án sửa chữa công trình đường bộ tại các đơn vị, phân tích đánh giá và so sánh kết quả thu thập, kiểm tra so với tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa ra nhận xét về chất lượng công trình.
Kết quả cho thấy, chất lượng công trình về cơ bản là đảm bảo. Với một số công trình còn tồn tại khiếm khuyết, Cục Đường bộ đã chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ kịp thời đôn đốc sửa chữa, khắc phục, đặc biệt là chỉ đạo việc đánh giá về uy tín của nhà thầu, không cho tham dự các gói thầu tiếp theo, nếu để xảy ra tồn tại về chất lượng mà chây ỳ, không sửa chữa bảo hành theo quy định.
Đối với các dự án do Cục Đường bộ trực tiếp làm chủ đầu tư, hầu hết các dự án, công trình đều được tăng cường kiểm tra hiện trường, đặc biệt là các dự án xây dựng cơ bản được kiểm tra chuyên sâu theo chuyên đề, các dự án này đều không có vi phạm về chất lượng.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, chất lượng công tác quản lý bảo trì là rất quan trọng. Để nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ, nhiệm vụ đầu tiên là phải tăng cường thanh tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong triển khai thực hiện, làm cho tất cả cán bộ, đảng viên phải có sự chuyển động, không dậm chân tại chỗ.
"Nội dung nâng cao chất lượng bảo trì phải trở thành chuyên đề thường xuyên trong các buổi sinh hoạt chi bộ, nhất là tại các chi bộ có liên quan trực tiếp như phòng quản lý bảo trì kết cấu giao thông, các Khu Quản lý đường bộ và các Ban Quản lý dự án", ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho biết, năm nay sẽ nâng tỷ lệ rà soát từ dự án sửa chữa định kỳ. Bên cạnh đó sẽ tâng tỷ lệ kiểm tra từ 30% lên 50% trong tổng số các dự án bảo trì đường bộ. Từ đó, tùy theo mức độ sẽ kiểm tra chuyên sâu "thăm khám, nội soi" kỹ các dự án có tồn tại. Năm nay cũng sẽ tổng rà soát tất cả các gói thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ trên toàn quốc.
"Người đứng đầu các cơ quan là chủ đầu tư dự án, đứng đầu các chi bộ có trách nhiệm "tự soi, tự sửa" để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại trong chất lượng bảo trì. Cục Đường bộ sẽ kiểm tra đột xuất các công trình có dấu hiệu vi phạm. Các đơn vị chủ đầu tư báo cáo chất lượng dự án đạt yêu cầu nhưng kiểm tra lại có vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu chất lượng dự án bảo trì "tự soi, tự sửa" không đảm bảo thì người đứng đầu đơn vị, bí thư chi bộ phải chịu trách nhiệm", ông Cường nói.
Nhấn mạnh cán bộ, đảng viên phải nêu gương, nhất là trong xử lý công việc cụ thể, ông Cường yêu cầu cần xem lại tất cả các khâu, khảo sát thiết kế, thẩm định phê duyệt dự án đã chuẩn chưa? Trong triển khai thi công, giám sát chất lượng có vấn đề gì không? Tất cả các khâu đang "có vấn đề" nên cần phải chấn chỉnh ngay.
Trao đổi tại hội nghị, ông Đào Văn Tiến, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Đảng ủy Cục Đường bộ nâng cao chất lượng tự kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện những sai sót, tồn đọng, khuyết điểm, qua đó "tự soi, tự sửa", tự đưa ra giải pháp khắc phục.