Sẽ nuôi… sâu róm đỏ lấy tiền

Đó là định hướng của công trình nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng thuộc Viện Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai. Kết quả nghiên cứu bước đầu của dự án khoa học này đã hé mở một hướng đi mới trong nỗ lực biến thiên tai thành nhân lợi.

Theo kỹ sư Nguyễn Đăng Định (Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng ), người chủ biên công trình “Kỹ thuật nuôi tằm ăn lá điều”, loài “tằm” này thực chất là loài sâu róm đỏ. Tên khoa học của sâu róm đỏ là Cricula trifenestrata. Đây là loài sâu có từ lâu và rất nhiều trên cây điều. Ở tuổi sâu non, Cricula trifenestrata là giống đa thực nhưng thức ăn chính vẫn là lá điều già. Sâu róm đỏ thường sống quần tụ với mật độ lớn, có thể tới 4 – 5 con / 1 lá điều, khả năng di chuyển tìm thức ăn rất mạnh. Điều kiện sinh trưởng thuận lợi trong biên độ nhiệt từ 24 – 30 độ C và độ ẩm trên 70%. Nông dân trồng điều phổ biến ở huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên của Lâm Đồng lâu nay thường xem loại sâu róm đỏ này là thiên tai và tìm cách tận diệt. Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác mà tiêu biểu nhất là Indonesia, giới nghiên cứu lâm sinh đã ứng dụng khoa học nuôi thành công loài côn trùng này lấy kén, tơ chế tạo ra nhiều sản phẩm gia công, gia dụng có giá bán tính theo USD cao hơn 8 lần so với sản phẩm đồng chủng gia công từ tơ tằm ăn lá dâu. Công trình tài liệu “Kỹ thuật nuôi tằm ăn lá điều” do kỹ sư Nguyễn Đăng Định chủ biên là thành quả nghiên cứu sau chuyến đi công tác tại Indonesia của nhóm kỹ sư Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng và các cộng sự thuộc tổ chức WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) tại Việt Nam.

Sâu róm đỏ. Nguồn: Internet.

Sau khi triển khai nuôi thí điểm thành công ở mô hình phòng thí nghiệm từ trong tháng 9/2011, đến tháng 10 vừa qua, nhóm nghiên cứu sâu róm đỏ đã nhân ra 5 mô hình hộ gia đình ở huyện Cát Tiên. Theo kỹ sư Định, thành công bước đầu là đã di chuyển nguồn giống sâu róm đỏ từ tự nhiên vào nuôi khống chế, quản lý thành công; những người nuôi cũng đã thành công trong thao tác thu hoạch, xe tơ từ kén sâu róm. Công đoạn tiếp theo sẽ nghiên cứu nhuộm tơ tạo màu sắc theo ý muốn, tạo các mẫu gia công sản phẩm để tìm đầu ra…Thành công bước đầu này đã cho phép giới nghiên cứu tự tin nhân rộng mô hình, giúp nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập đáng kể. Theo kỹ sư Nguyễn Đăng Định và nhóm cộng sự nghiên cứu dự án tằm ăn lá điều, nguồn gen giống tằm – sâu róm đỏ này trong tự nhiên là rất nhiều, gần như vô tận. Bởi, vùng chuyên canh điều ở Việt Nam có quy mô hàng trăm nghìn ha. Nguồn thức ăn chính là lá điều già vì thế cũng rất phong phú. Hơn nữa, khả năng bố trí diện tích đất trồng điều chỉ để lấy lá nuôi loài sâu này cũng nằm trong khả năng có thể của nhiều vùng khí hậu nóng ấm trong cả nước.

Ông Phạm Quang Chinh – đại diện của WWF tại Lâm Đồng và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng cho biết, nhiều sản phẩm gia dụng như thảm trải nền nhà, túi xách, dép của phụ nữ, chao đèn ngủ…, được người Indonesia làm từ tơ tằm ăn lá điều đều có giá trên 200 USD/mỗi vật dụng. Thông tin này có thể là tín hiệu mừng cho hàng trăm hộ nông dân nếu dự án nuôi tằm ăn lá điều nhanh chóng được nghiên cứu chuyên sâu và phổ biến./.


Sơn Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN