Để thực hiện chủ trương tiết kiệm, tiết giảm chi phí và tái cơ cấu DNNN theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 của Chính phủ thực sự hiệu quả, không mang tính chất hình thức, phong trào, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu (ảnh) đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.
´Thưa ông, việc tiết giảm chi phí đối với các doanh nghiệp lớn có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 chỉ ở một con số?
Việc kiểm soát lạm phát chỉ dừng ở mức một con số đã được thể hiện ở các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Trong đó, việc yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp cam kết tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, sẽ góp phần vào sự ổn định chung của toàn bộ nền kinh tế. Tôi cho rằng: Việc các doanh nghiệp thực hiện tốt các cam kết này sẽ có ý nghĩa đầu tiên là giúp chính doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đây sẽ là việc làm thường xuyên, lâu dài, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đời sống cho người lao động.
´Thưa ông, để triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã vào cuộc như thế nào?
Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phấn đấu đạt được mục tiêu tiết giảm 5 - 10% chi phí quản lý, hạ giá thành sản phẩm. Để thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, Bộ Tài chính yêu cầu: Thứ nhất, doanh nghiệp phải xác định lại ngành nghề kinh doanh chính và chỉ tập trung vào những ngành nghề trực tiếp phục vụ ngành kinh doanh chính. Trên cơ sở đó phải cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư.
Vấn đề thứ hai là tái cấu trúc tài chính để từ đó doanh nghiệp phải rà soát lại các dòng nguồn vốn đầu tư và cơ cấu lại ngành nghề theo chiến lược kinh doanh được Chính phủ phê duyệt; thoái vốn những ngành mà không trực tiếp kinh doanh, chưa mang lại hiệu quả cao để tập trung vào ngành kinh doanh chính; rà soát lại công nợ giữa các đơn vị trong tập đoàn và tập đoàn với ngân hàng hay doanh nghiệp khác để lành mạnh hóa tài chính.
Tiếp theo là các doanh nghiệp phải cải tiến quản trị nội bộ. Theo tôi, hoạt động này doanh nghiệp Việt Nam thực hiện còn chưa tốt, thậm chí nhiều đơn vị còn yếu; do đó phải sắp xếp lại quy chế tài chính, quy chế chính sách, hoạt động của hội đồng thành viên.
´Vậy Bộ Tài chính có những cơ chế giám sát các chỉ tiêu đăng ký thực hiện đối với các doanh nghiệp ra sao, thưa ông?
Theo công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, ngày 31/3 là hạn cuối cùng các đơn vị đăng ký biện pháp, mức tiết giảm cụ thể với cơ quan đại diện chủ sở hữu (bộ quản lý, ngành, UBND tỉnh) và Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kết quả thực hiện chỉ tiêu tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ban lãnh đạo điều hành các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp và người lao động sẽ phải nỗ lực thực hiện. Nhưng, cơ quan nhà nước mà cụ thể là Bộ Tài chính sẽ thường xuyên giúp doanh nghiệp thực hiện cũng như yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết.