Biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ được cắm trên các tuyến phố. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) về kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ có một chương để quản lý loại hình Uber, Grab.
Cụ thể, ông Ngọc cho hay, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 sẽ chính thức hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin của Uber, Grab vào hoạt động vận tải. Hoạt động của Uber, Grab sẽ được điều chỉnh như một loại hình xe hợp đồng, xe taxi và như một loại hình xe du lịch tùy vào từng trường hợp.
“Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ trước 31/12/2017 và trong thời gian chờ Chính phủ xem xét ban hành, có hiệu lực thì Bộ Giao thông Vận tải đồng thời cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng kết quá trình thí điểm ”, ông Ngọc thông tin.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc, trong báo cáo tổng kết quá trình thí điểm 2 năm với Uber, Grab mà Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ sẽ nêu rõ những mặt được những mặt còn phải tiếp tục điều chỉnh; đồng thời Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép cho gia hạn việc thực hiện Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT cho đến khi Nghị định sửa đổi Nghị định 86 được ban hành và có hiệu lực.
Về nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 sẽ có quy định bắt buộc những đơn vị cung cấp phần mềm phải đăng ký kinh doanh phù hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương, đăng ký thương mại điện tử với Bộ Công Thương; đồng thời, đăng ký với Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Thuế để quản lý thuế rõ hơn... Đặc biệt, những xe hợp đồng điện tử sẽ phải đăng ký chất lượng dịch vụ, niêm yết đầy đủ thông tin ở cửa xe cũng như dán logo và phù hiệu của Sở Giao thông Vận tải.
Đầu năm 2016, ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng mà người dân vẫn quen gọi là taxi Uber và Grab đã được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Thời gian thí điểm từ 1/1/2016 đến 1/1/2018.
Theo các chuyên gia kinh tế, ứng dụng Uber, Grab trong hoạt động vận tải thực tế đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng nhưng lại gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Cụ thể, số lượng phương tiện tham gia tăng quá nhanh và quy định về trách nhiệm nộp thuế là những khó khăn mà cơ quan quản lý gặp phải. Chính bản thân loại hình này cũng bộc lộ nhiều bất cập sau khi triển khai thực tế ở Việt Nam.
Cụ thể, những hạn chế của ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động vận tải như Uber, Grab sau 2 năm thí điểm được thể hiện như: do thiếu quy định giới hạn số lượng xe tham gia nên chỉ trong 2 năm, lượng xe đã lên tới khoảng 50.000 chiếc.
Số lượng phương tiện phát triển quá nhanh đã phá vỡ quy hoạch taxi được các địa phương xây dựng. Thêm vào đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc thí điểm loại hình dịch vụ vận tải mới này cũng tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Từ trước khi có quy định của thành phố Hà Nội về thí điểm cấm đường đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tại một số tuyến đường trong những khung giờ nhất định, nhiều tuyến đường taxi truyền thống tại 5 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm bị cấm lưu thông trong khi đó taxi công nghệ lại tự do hoạt động. Đó là chưa kể đến những khó khăn trong quản lý về trách nhiệm nộp thuế của loại hình dịch vụ vận tải Uber và Grab này.