Sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp - Bài 2: Vai trò của địa phương

Thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp, phần lớn diện tích đất đai các công ty sẽ giữ lại, một phần sẽ trả lại địa phương.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chọn điểm cạo mủ trên cây cao su cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán cao su tại Nông trường cao su Đăk Hring thuộc Công ty cao su Kon Tum ở xã Đăk Hring (Đăk Hà, Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Tại khu vực vẫn thường diễn ra tình trạng lấn chiếm đất đai, việc chuyển giao quản lý sử dụng đất về địa phương cũng đặt ra yêu cầu phải triển khai nhanh chóng và có sự quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng “vô chủ” sẽ dẫn đến việc lấn chiếm trở nên phức tạp hơn.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Kon Tum (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – VRG) trước khi sắp xếp quản lý trên 9.000 ha chủ yếu là trồng cao su, giải quyết việc làm cho gần 6.500 lao động và hộ; trong đó có gần 4.500 hộ nhận khoán hoặc liên kết; 71% lao động trong công ty là người dân tộc thiểu số.

Thực hiện sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty, UBND tỉnh Kon Tum sẽ thu hồi 902 ha của công ty; trong đó, có trên 800 ha cao su. Trong khi chờ địa phương nhận lại, công ty không được sản xuất nhưng vẫn phải canh giữ. Việc chuẩn bị cho bàn giao diễn ra chậm nên dễ xảy ra xô xát với người dân.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG, với diện tích sẽ thu hồi, doanh nghiệp mong muốn sớm được trả lại địa phương và nhận tiền bồi thường với diện tích công ty đã đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu về đất ở của bà con và xây dựng công trình phúc lợi công cộng, công ty sẵn sàng trả lại địa phương, thậm chí không cần chờ đến hết chu kỳ kinh doanh. Mục tiêu của công ty là ổn định chứ không phải kinh tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, khi tỉnh thu đất về để phát triển cơ sở hạ tầng đương nhiên VRG phải chấp hành. Tuy nhiên, nếu tỉnh thu về để chuyển cao su sang nông nghiệp công nghệ cao khác cần tính toán kỹ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nên tính toán khi kêu gọi doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư nông nghiệp trong khi ngay tại địa phương đang có tập đoàn lớn có tiềm lực, quản trị tốt, sản xuất hiệu quả.

Thực hiện việc giao lại đất cho địa phương, công ty và địa phương cần làm tốt việc chuyển giao, vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu để tránh tạo ra điểm nóng về đất.  Tránh sau khi chuyển giao về địa phương lại không được quản lý chặt chẽ lại tiếp tục có những phức tạp về đất đai, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khuyến cáo.

Hay Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê Ia Grai, tỉnh Gia Lai (Tổng công ty Cà phê Việt Nam) đang quản lý và sử dụng đất tại 2 huyện Ia Grai và Chư Prông. Toàn bộ diện tích được giao, thuê tại các địa phương, công ty đều sử dụng đúng mục đích, quản lý tốt, không có tranh chấp, cho thuê mượn hay bị lấn chiếm. Triển khai sắp xếp, công ty sẽ bàn giao về hai huyện trên 292 ha; trong đó, chủ yếu là huyện Chư Prông với trên 282 ha.

Công ty Cà phê Ia Grai là doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh cà phê đứng chân trên địa bản thuộc vùng sâu vùng xa của Tây Nguyên, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tình hình an ninh chính trị có nhiều diễn biến phức tạp và nhạy cảm. Nơi đây, thời tiết khí hậu cũng ngày càng khắc nghiệt gây bất lợi cho sản xuất.

Bên cạnh đó, công ty có 318 lao động là đồng bào dân tộc mà chỉ có 50% tích cực đi làm, 50% còn lại đi làm không thường xuyên hoặc bỏ bê chăm sóc vườn cây, làm vườn cây xuống cấp, năng suất sản lượng giảm; nợ công ty gần 17 tỷ đồng, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn. Nhận thức về cây trồng, vật nuôi của lao động là đồng bào dân tộc còn hạn chế. Họ chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và hiệu quả lao động thấp.

Với tính chất phức tạp tại địa bàn, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty Cà phê Ia Grai cho biết, công ty mong muốn nhanh chóng được trả lại đất cho địa phương, bởi nếu kéo dài đất sẽ “vô chủ” và trở nên phức tạp. Tuy nhiên, ông băn khoăn khi địa phương giao đất này cho người dân thì với đồng bào địa phương chưa có tính tiết kiệm, không chịu tham gia lao động sẽ dễ bán đất để chi trả cuộc sống. Bởi những người dân di cư từ nơi khác đến có trình độ hiểu biết, khả năng kinh doanh tốt nên dần thu mua đất của đồng bào địa phương. Người dân bản địa sẽ ngày càng thu hẹp sản xuất và rồi cuộc sống của họ sẽ lại càng lâm vào cảnh bần cùng.

Nhiều diện tích Hồ tiêu được trồng ngay trên đất lâm nghiệp do Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (Gia Lai) quản lý. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Với tình hình vậy, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng lo ngại, sau khi đất về địa phương, bà con tiếp tục không sản xuất sẽ ảnh hưởng đến trật tự, an sinh xã hội. Do đó, UBND tỉnh phải cùng địa phương và công ty bàn kỹ về việc giao lại diện tích đất này, đồng thời lấy ý kiến của bà con. Để làm sao sau khi được giao đất, người dân không bán đất để trang trải cuộc sống. Sau khi giao đất về địa phương bà tiếp tục liên kết sản xuất với công ty để đồng bào có cơ hội sản xuất, phát triển kinh tế.

Không chỉ riêng hai doanh nghiệp điển hình trên, diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp sẽ giao về các địa phương tương đối nhiều. Đây cũng là gánh nặng đối với địa phương vì đây hầu hết là đất đang bị lấn chiếm, tranh chấp. Các địa phương cần tập trung tiến hành xây dựng kế hoạch việc tiếp nhận đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp trả về và có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích này. Địa phương cũng nên cân nhắc, khi chưa có kế hoạch sử dụng diện tích đất này thì có phương án để doanh nghiệp tiếp tục sử dụng, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể chủ động đề xuất dự án nông nghiệp công nghệ cao với tỉnh trên diện tích thu về với mục đích chuyển đổi sản xuất.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định: “Triển khai Nghị quyết 118 không chỉ là hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp mà phải đạt được mục tiêu sắp xếp là đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân và doanh nghiệp cùng phát triển kinh tế”.

Bài cuối: Ươm những mầm xanh

Bích Hồng (TTXVN)
Sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp - Bài 1: Những điểm 'nóng'
Sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp - Bài 1: Những điểm 'nóng'

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN