Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tại các địa phương cũng chủ động phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến mại kết hợp với việc tổ chức các hoạt động hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại địa phương để kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phát triển thị trường trong nước và còn thu hút, kích cầu ngành du lịch.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo giới thiệu về Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021 do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức sáng 24/11, tại Hà Nội.
Theo ông Lê Hoàng Tài, Vietnam Grandsale 2021 được xây dựng và triển khai trên cơ sở tạo ra một “mùa” trong năm để tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam có thể chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình khuyến mại mà trong đó hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại có thể lên đến 100% tùy vào lựa chọn của doanh nghiệp, thay cho việc bị giới hạn như trong các điều kiện khuyến mại thông thường.
Do đó, khách hàng, người tiêu dùng trong nước và khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian này theo đó có thể sẽ được hưởng những quyền lợi, những ưu đãi, hỗ trợ nhiều nhất, hấp dẫn nhất từ cộng đồng các doanh nghiệp. Hiệu ứng kết nối cung - cầu trên cả nước nhờ đó sẽ được lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp.
Với sự kết hợp đa dạng và hài hòa các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử cùng những nội dung hoạt động đa dạng, phù hợp, ông Lê Hoàng Tài cho biết, Vietnam Grandsale 2021 được kỳ vọng sẽ giúp tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam cũng như sự hưởng ứng của đông đảo khách hàng, người tiêu dùng trên cả nước.
Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, kiểm soát các hoạt động khuyến mại của doanh nghiệp cũng sẽ góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục hành chính và của pháp luật, góp phần đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Mai Văn Sơn, Trưởng phòng Quản lý xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại) cho hay, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 1/7-31/7/2020 đã thu hút được đông đảo sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp với hơn 27.450 chương trình khuyến mại; trong đó, có gần 1.000 chương trình khuyến mại với mức khuyến mại từ 80% đến 100%; có 1.100 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại từ 60% đến 79% và khoảng 2.500 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại từ 50% đến 69%.
Đáng lưu ý, các chương trình khuyến mại giảm giá sâu tập trung vào các ngành hàng: may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử, viễn thông … thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thống kê từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2020 đạt khoảng 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng 6/2020 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 333,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng 6/2020 và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với tháng trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% so với tháng 6/2020; doanh thu dịch vụ khác đạt 48,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng 6/2020.
Theo ông Mai Văn Sơn, thông qua các hoạt động khuyến mại được triển khai, chương trình năm nay được nhận định sẽ tiếp nối thành công của năm 2020, qua đó góp phần hướng tới thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, cụ thể về việc tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện “bình thường mới”; kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địạ; thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước.
Mặt khác, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia còn thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để tạo kênh tiêu thụ ổn định, thuận lợi; hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm của tại địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp; sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Đồng thời, việc tổ chức chương trình năm nay sẽ có thêm cơ sở thực tiễn và lý luận để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất với cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành các chính sách hấp dẫn, hiệu quả hơn nữa hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia chương trình khuyến mại tập trung quốc gia trong thời gian tới.