Sắp diễn ra hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý bền vững rừng cao su

Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc tế (PEFC) sẽ tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến nhằm chia sẻ một số kết quả, kinh nghiệm của doanh nghiệp và cao su tiểu điền đã đạt chứng chỉ quốc tế PEFC về quản lý bền vững rừng cao su và chuỗi hành trình sản phẩm, kết nối với thị trường vào ngày 22/9.

Chú thích ảnh
Một rừng cao su thuộc khu vực huyện Mường Chà, Điện Biên. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN

Quản lý rừng bền vững và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm là những khái niệm mới đối với thành viên ngành sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cao su. Thông qua các dự án thí điểm mà PEFC và các quốc gia thành viên đã thực hiện với các tổ chức, doanh nghiệp, nhóm hộ tiểu điền trong khu vực Đông Nam Á và đã chứng minh rằng, việc thực hiện chứng chỉ này là hoàn toàn khả thi và cần thiết đối với ngành cao su.

Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC đã thí điểm chứng nhận sản phẩm cao su thiên nhiên và gỗ cao su trên khắp Đông Nam Á. Bên cạnh loại hình chứng nhận đơn cho các chủ rừng là các công ty nhờ hợp tác với những cao su tiểu điền ở tất cả các quy mô, PEFC đã áp dụng thành công loại hình chứng nhận theo nhóm; cho phép các tiểu điền phối hợp và triển khai các biện pháp quản lý bền vững cùng nhau. Kinh nghiệm từ những người tham gia các dự án thí điểm đã mang lại giá trị quý báu cho ngành cao su trong việc thực hiện chứng nhận PEFC.

Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Chứng nhận cao su bền vững PEFC – góc nhìn từ những người tiên phong” sẽ trả lời các câu hỏi kỹ thuật thường gặp trong quá trình thực hiện chứng chỉ. Hội thảo sẽ đưa ra giải thích rõ ràng về tất cả các loại hình chứng nhận, bao gồm: chứng nhận quản lý rừng bền vững cho các cao su tiểu điền và doanh nghiệp, chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị cao su.

Tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) sẽ có báo cáo chia sẻ kinh nghiệm đã thực hiện và dự kiến kế hoạch tiếp theo để mở rộng số lượng diện tích cao su và nhà máy đạt chứng chỉ VFCS (hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam) và PEFC.

Hội thảo trực tuyến là một phần trong Chiến dịch hỗ trợ cao su bền vững của PEFC. Chiến dịch kể câu chuyện của cao su thiên nhiên và những người sản xuất cao su, tạo ra sự kết nối giữa sản xuất, bảo vệ rừng, và nâng cao đời sống của người trồng cao su.

Các diễn giả và người tham dự sẽ có cơ hội thảo luận lợi ích của chứng nhận PEFC, bao gồm: cải tiến hệ thống quản lý, giảm thiểu rủi ro, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, cải thiện sinh kế và năng suất của các tiểu điền. Người tham dự có thể đăng ký tại: treee.es/firstmovers-web.

Tại Việt Nam, Cơ quan thành viên Quốc gia của PEFC – VFCS được vận hành dưới sự quản lý của Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã kết nối và hướng dẫn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tạo điều kiện hỗ trợ cho các thành viên trong tập đoàn, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đăng ký thực hiện chứng chỉ rừng.

Đến tháng 8/2021, đã có trên 54.500 ha cao su của 12 công ty thành viên VRG được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM và 22 nhà máy chế biến mủ cao su được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC.

Cao su thiên nhiên là nguyên liệu thiết yếu để tạo ra hơn 40.000 loại sản phẩm và nằm trong chuỗi cung ứng trị giá 300 tỷ USD hàng năm. Khoảng 85% sản lượng cao su được khai thác bởi các hộ tiểu điền trong khu vực Đông Nam Á. Khai thác và quản lý bền vững rừng trồng cao su cũng góp phần bảo vệ rừng. Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc đề ra trước năm 2030.

Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc tế (PEFC) là hệ thống chứng chỉ rừng lớn nhất trên thế giới và là lựa chọn của các chủ rừng nhỏ, với hơn 300 triệu ha trên 49 hệ thống quốc gia đạt tiêu chuẩn bền vững của PEFC.

Bích Hồng (TTXVN)
Tháo điểm nghẽn triển khai cơ chế tự chủ tài chính trong quản lý rừng
Tháo điểm nghẽn triển khai cơ chế tự chủ tài chính trong quản lý rừng

Chiếm gần 50% diện tích đất lâm nghiệp, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là hệ thống rừng giữ vai trò hết sức quan trọng phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc quản lý các loại rừng này đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, đặc biệt là các điểm nghẽn gây ách tắc trong lộ trình triển khai cơ chế tự chủ tài chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN