Ngày giao dịch đầu tiên, giá khởi điểm của cổ phiếu PLX là 43.200 đồng/CP. Với mức giá này, phiên giao dịch đầu tiên cổ phiếu PLX sẽ dao động trong biên độ 20%, từ 34.560 đồng/CP đến 51.840 đồng/CP.
Sau khi niêm yết, PLX sẽ chính thức nằm trong top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, bên cạnh VNM, VCB, SAB, VIC, GAS và vượt vốn hóa của BIDV, CTG.
Sáng nay, cổ phiếu xăng dầu Petrolimex chào sàn HOSE. Ảnh: TTXVN |
Việc cổ phiếu Petrolimex giao dịch là thông tin được thị trường mong đợi bởi Petrolimex hiện là doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn nhất Việt Nam. Petrolimex hiện nắm giữ gần 50% thị phần xăng dầu và sở hữu chuỗi gần 2.500 cửa hàng trực thuộc trên khắp cả nước.
Điều thuận lợi của doanh nghiệp này là hoạt động đa ngành đều gắn trục với mảng kinh doanh xăng dầu và tất cả tổng công ty con của Petrolimex đều hoạt động hiệu quả như Tổng công ty GAS Petrolimex (PGC), Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC), các công ty vận tải xăng dầu như PGTank và hệ thống các công ty con như VIP, VTO…
Năm 2017, Petrolimex đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 143.208 tỷ đồng, tăng 16,3% thực hiện 2016, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 4.680 tỷ đồng, tăng 17% so với kế hoạch 2016.
Kết thúc năm 2016, sản lượng xăng dầu xuất bán đạt hơn 11,44 triệu tấn, tăng 5,3% kế hoạch, doanh thu thuần đạt 123.097 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6.300 tỷ đồng, tăng 58,8% kế hoạch.
Với kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2016, Petrolimex trình Bộ Công Thương phê duyệt phương án trả cổ tức 32,24% bằng tiền mặt, dự kiến mức chi cổ tức là 3.736 tỷ đồng (tương đương 80% phần lợi nhuận sau thuế năm 2016). Nếu phương án này được thông qua, dự kiến Nhà nước sẽ thu về hơn 3.164 tỷ đồng cổ tức từ Petrolimex.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo khẳng định, giá cổ phiếu PLX còn tăng trưởng khi lên sàn nhờ hoạt động kinh doanh khả quan, qua đó, sẽ đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Việc niêm yết trên HOSE là tiền đề quan trọng để Petrolimex hướng tới việc niêm yết trên sàn quốc tế trong tương lai.