Sản xuất sản phẩm xoài chất lượng tạo nguồn nguyên liệu xuất khẩu

Đồng Tháp đang rà soát quy hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu đối với trái xoài.

Ngành hàng xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp. Hiện nay, tỉnh này đang tổ chức lại sản xuất theo hướng giảm giá thành, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, gắn kết với tiêu thụ. 

Chú thích ảnh
Thu hoạch xoài cát chu rải vụ ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). 

Từ đó, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao. Đồng thời, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng đáp ứng nguồn liệu cho chế biến xuất khẩu.

Diện tích trồng xoài ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay đạt hơn 9.000 ha, trồng nhiều nhất là ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh với các giống xoài chủ lực là xoài Hòa Lộc, Cát Chu và xoài Đài Loan. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 2.919,5 tỷ đồng; lợi nhuận đạt từ 115 - 269 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh triển khai các chương trình, dự án để đáp ứng nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định cho công nghiệp chế biến xuất khẩu. Hiện nay tỉnh đã đăng ký mã vùng trồng với diện tích 4.533 ha được cấp mã vùng trồng sang thị trường Trung Quốc và 376 ha sang các thị trường Mỹ, Canada, Nga.

Tỉnh đang rà soát quy hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu đối với trái xoài. Tỉnh cũng hình thành 2 vùng chuyên canh xoài quy mô lớn tại huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh và đang mở rộng diện tích tại một số huyện Thanh Bình, Lấp Vò, Châu Thành...; trong đó, thực hiện rải vụ gắn với sản xuất an toàn trên 6.600ha, được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP 342 ha và mô hình sản xuất hữu cơ 5,75 ha.

Chú thích ảnh
Thu hoạch xoài cát chu rải vụ ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). 

Đa số các doanh nghiệp, các nhà chuyên môn ngành nông nghiệp và nông dân trong tỉnh Đồng Tháp đang tập trung sản xuất để tiến tới nâng cao chất lượng phục vụ xuất khẩu. Tiến sĩ Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong những năm qua tỉnh đã tập trung đầu tư, nghiên cứu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm Xoài theo hướng VietGAP, Global GAP, quy trình canh tác ra hoa trái vụ, bao trái, cấp mã số, mã vạch, chỉ dẫn địa lý.

Nhưng hiện nay ở Đồng Tháp xuất khẩu xoài còn hạn chế, với sản lượng hàng năm trên 100 nghìn tấn; trong đó, xoài cát Hòa Lộc chiếm 30%, cát Chu chiếm 60% đa số tiêu thụ trong nước, xuất khẩu vài trăm tấn. theo ông Tài để có trái xoài tốt xuất khẩu cần phải bao trái cho màu sắc đẹp, tránh da đập cơ học hạn chế phun thuốc, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái, chọn giống phù hợp, thu hoạch đúng độ chín, sử dụng công nghệ sơ chế và bảo quản….

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết hợp tác, hình thành 8 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác và 23 hội quán nông dân trồng xoài để tiêu thụ xoài dài hạn 1.073 ha với trên 10 doanh nghiệp. Ngoài tiêu thụ sản phẩm xoài tươi, một số doanh nghiệp đã thu mua xoài loại 2 và 3 để sản xuất các sản phẩm xoài chế biến như: xoài sấy dẻo, xoài đông lạnh, rượu xoài, bánh phồng xoài, dưa xoài… 

Trong tỉnh sản xuất xoài rải vụ đạt 6.300 ha. Giá bán xoài rải vụ cao hơn sản xuất thường từ 25.000 – 30.000 đồng/kg đối với xoài cát Hòa Lộc, từ 8.000 - 12.000 đồng/kg đôi với xoài cát Chu, lợi nhuận xoài Hòa Lộc là 180 triệu đồng/ha, xoài cát Chu là 120 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh xây dựng 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn và 6 mô hình canh tác xoài rải vụ đủ điều kiện sản xuất an toàn.

Kết quả thực hiện xoài rải vụ đã giúp khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp nhà vườn có thu nhập tốt hơn. Hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm được đẩy mạnh như: tham gia hội chợ, in ấn tài liệu quảng bá, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm... xây dựng nhãn hiệu xoài Cao Lãnh và xoài cát Chu Cao Lãnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý, ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc, “Mô hình cây xoài nhà tôi”.

Chú thích ảnh
 Xoài Cao Lãnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 

Đồng Tháp có 77 mã vùng trồng xoài với diện tích hơn 4 nghìn ha. Khu vực địa lý mã số vùng gắn với sản phẩm xoài Cao Lãnh gồm: xã Hòa An, xã Tân Thuận Đông, xã Tịnh Thới, xã Tân Thuận Tây, xã Mỹ Trà, xã Mỹ Tân, xã Mỹ Ngãi, phường 6 và phường 11 thuộc thành phố Cao Lãnh; xã Mỹ Xương, xã Mỹ Hội, xã Bình Hàng Trung, xã Bình Hàng Tây, xã Mỹ Long, xã Mỹ Hiệp, xã Bình Thạnh, xã An Bình, xã Mỹ Thọ và thị trấn Mỹ Thọ thuộc huyện Cao Lãnh.

Sự thành công trong việc xác lập quyền (bảo hộ) chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài là một bước ngoặt quan trọng, khẳng định danh tiếng và chất lượng nổi trội của sản phẩm xoài có nguồn gốc xuất xứ từ huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh.

Từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tại các hệ thống bán lẻ trong nước uy tín như CoopMart, VinMart+, Bách Hóa Xanh… Đồng thời, hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới như: Mỹ, Australia, EU…

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Khuyếch trương thương hiệu xoài cát Hòa Lộc
Khuyếch trương thương hiệu xoài cát Hòa Lộc

Tiền Giang hiện có trên 79.000 ha vườn trồng cây ăn quả; trong đó, có trên 63.000 ha đang cho sản phẩm với sản lượng mỗi năm khoảng 1,3 triệu tấn quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN