Đồng thời, khuyến cáo nông dân không nên hoang mang và cần đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình. Đây là cách giữ vững thương hiệu xoài địa phương, bảo vệ uy tín nông sản và cũng là bước chuẩn bị để sẵn sàng cung cấp các mặt hàng nông sản sang các thị trường khó tính.
Bức xúc của người trong cuộc
Nhiều năm kinh nghiệm khi xuất khẩu xoài sang các thị trường khó tính, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Kim Nhung Đồng Tháp nhận thức rất rõ về rào cản kỹ thuật của thị trường Trung Quốc tất yếu sẽ được thực hiện. Ngay từ năm 2017, công ty này đã bắt đầu xây dựng mã số nhà đóng gói để “danh chính ngôn thuận” xuất khẩu sang thị trường này. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp được cấp mã số nhà đóng gói để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc. Tuy nhiên, điều gây cho công ty bức xúc là trong thời gian qua mã số này lại bị nhiều doanh nghiệp khác tự ý sử dụng tùy tiện để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc.
Bà Đinh Kim Nhung, Phó giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp cho biết, vào tháng 7/2020, đơn vị nhận được thông tin mã nhà đóng gói của đơn vị đã bị đóng. Song, trên thực tế vào thời điểm trên, công ty chưa xuất đi Trung Quốc lô hàng nào. Qua tìm hiểu, 220 lô xoài vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau do các công ty khác xuất hàng nhưng trớ trêu là đều mang mã số đóng gói của Công ty TNHH Kim Nhung.
Bà Nhung nói, việc xây dựng mã vùng trồng cần có thời gian, từ tập huấn kỹ thuật cho nông dân về quy trình sản xuất để hướng đến sản phẩm sạch có chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng để phục vụ cho người tiêu dùng, qua đó khẳng định uy tín, thương hiệu nông sản hàng hóa. Trong khi đó, quy trình cấp mã nhà đóng gói cũng đòi hỏi những yêu cầu nghiêm ngặt về đầu vào, đầu ra sản phẩm; điều kiện cơ sở vật chất như: đèn côn trùng, quạt chắn côn trùng, quy chuẩn phòng đóng gói… Chấp nhận đối mặt và vượt qua những quy định khắt khe đã giúp công ty có những điều kiện thuận lợi chinh phục các thị trường khó tính Á – Âu.
Bà Nhung cho hay, nếu như xuất khẩu hàng qua thị trường khác sẽ có người trực tiếp xuống kiểm tra, yêu cầu khắc phục nếu các điều kiện về mã vùng trồng và mã nhà đóng gói chưa đạt. Trung Quốc ngược lại, những thủ tục khá đơn giản, chỉ cần đăng ký mà không cần đến tận nơi để kiểm tra. Thậm chí, các thương lái Trung Quốc còn có thể “cấp phát” mã số này cho các công ty khác để được thông quan hàng hóa, mặc dù chưa qua sự đồng thuận của đơn vị đăng ký.
Theo bà Nhung, đối với việc không quản lý chặt chẽ về việc sử dụng mã vùng trồng cũng như mã nhà đóng gói đã làm cho những người đi đầu chịu thiệt. Làm theo đúng quy định để được cấp mã hẳn hoi nhưng các công ty khác sử dụng vô tội vạ dẫn đến việc mã số của công ty TNHH Kim Nhung chính thức "biến mất" khỏi danh sách được công nhận. Qua vụ việc này, từ góc độ doanh nghiệp, bà Kim Nhung yêu cầu khi thông quan hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, cần được sự xác nhận từ vùng trồng và đơn vị đăng ký đóng gói sản phẩm mới đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và sự công bằng.
Khẳng định thương hiệu
Trong vụ việc này, không chỉ mã nhà đóng gói của công ty TNHH Kim Nhung bị “mạo danh” mà hai mã số vùng trồng của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cũng trở thành “nạn nhân”.
Là một thành viên của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, ông Nguyễn Văn Mách ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương cho biết, trong những năm qua, các nông dân trong Hợp tác xã đã thay đổi tư duy để sản xuất theo hướng sạch, an toàn để phục vụ người tiêu dùng từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện bao trái để cách ly thuốc 45 ngày.
“Nông dân Mỹ Xương ý thức sản xuất sản phẩm sạch nhưng người mạo danh làm ra quả không sạch ở vùng khác lại “gắn mác” vùng trồng Hợp tác xã Mỹ Xương sẽ dễ gây ra tình trạng mất uy tín sản phẩm được sản xuất tại địa phương, cho nên những ngày qua nông dân rất lo lắng”, ông Mách chia sẻ.
Mặc dù hiện tại mang tâm trạng lo lắng nhưng những người nông dân chân chính như ông Mách vẫn thuận lòng sẽ giữ vững lòng tin và đảm bảo quy trình sản xuất sạch, an toàn theo chuẩn VietGAP như trước đây. Đó là cách để nông dân Mỹ Xương nói riêng, Đồng Tháp nói chung chứng minh được chất lượng hàng hóa sản phẩm của địa phương mình.
Ông Nguyễn Phước Thiện , Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp thông tin, tỉnh có 78 vùng trồng với khoảng 4.000 ha. Theo đó, chỉ có 2 mã vùng trồng và 1 mã nhà đóng gói tạm thời bị đóng để chờ điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, không có việc tất cả các mã vùng trồng xoài Đồng Tháp đều bị tạm ngưng xuất khẩu. Tỉnh Đồng Tháp yêu cầu điều tra rõ ràng nguyên nhân và phối hợp các ngành để làm rõ lô hàng có xuất xứ từ đâu. Doanh nghiệp nào đang thực hiện hành vi giả mạo để chế tài tạo tính răn đe vì nó ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, sản xuất của nông dân.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong thời gian qua, Trung Quốc có quy định về mã vùng trồng nhưng sau khi đăng ký vẫn để công khai trên mạng, các doanh nghiệp tự ý lấy mã vùng trồng và mã nhà đóng gói để đi xuất khẩu nhưng chưa được kiểm duyệt của nơi đã đăng ký. Đây là hành vi giống như gian lận thương mại rất đáng lên án, vì mã vùng trồng là diện tích đã được xác lập, người dân sản xuất theo quy trình được giám sát về chất lượng.
Ông Nguyễn Phước Thiện cũng so sánh, thị trường Trung Quốc không đòi hỏi khắt khe như thị trường châu Âu, Mỹ và các thị trường khác. Nếu như các thị trường khác, trước khi thông quan nông sản sẽ được kiểm tra lại doanh nghiệp có mua hàng tại vùng trồng đã được khai báo để bảo đảm tính chính xác, thì thủ tục này chưa được áp dụng khi hàng xuất sang Trung Quốc. Đây có thể là lỗ hổng cần khắc phục trong thời gian tới. Nếu không phản ứng kịp thời, thờ ơ, rất có thể vụ việc “mạo danh” sẽ lặp lại trên các loại nông sản khác ở các địa phương khác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có văn bản đề nghị quy định, chế tài về việc sử dụng mã vùng trồng, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng nông sản. Ngoài ra, đại diện ngành nông nghiệp Đồng Tháp cũng cho rằng, khi thực hiện đăng ký mã vùng trồng không nên để doanh nghiệp đăng ký để tránh tình trạng độc quyền sản phẩm nông sản của vùng nguyên liệu; mất cơ hội mua bán sản nông sản của nông dân sản xuất tại các vùng. Nên chăng các hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc cơ quan quản lý nhà nước đứng tên mã vùng trồng, bởi vì mã vùng trồng thể hiện trách nhiệm và cam kết chất lượng của vùng trồng đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, mạo danh mã vùng trồng là hành vi sai phạm của doanh nghiệp và không phải cái sai trong quá trình sản xuất của những nông dân sản xuất tại Đồng Tháp. Bà con nông dân nên duy trì phương thức sản xuất theo quy trình, ngành chuyên môn tiếp tục hỗ trợ bà con trong việc thực hiện đăng ký mã vùng trồng. Tuy nhiên, sẽ có những đề xuất các cơ quan quản lý ban hành những quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của người dân; không nên hoang mang bỏ mã vùng, bởi vì thời gian tới, khi xuất khẩu sẽ áp các mã vùng trồng. Đây là cách chuẩn bị để sẵn sàng cung cấp các mặt hàng nông sản sang các thị trường khó tính.