Đây là thông tin tại Hội nghị tổng kết sản xuất năm 2023 và triển khai kế hoạch sản xuất năm 2024 các tỉnh phía Bắc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Hải Dương tổ chức ngày 29/11.
Theo số liệu từ Cục Trồng trọt, năm 2023 là một năm sản xuất khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch hại diễn biến phức tạp. Tổng diện tích gieo cấy lúa năm 2023 của các tỉnh phía Bắc ước đạt 2,245 triệu ha, giảm khoảng 32.000 ha so với năm trước. Diện tích gieo cấy giảm do chuyển đổi sang các loại rau màu và mục đích phi nông nghiêp. Tuy nhiên, sản xuất lúa năm 2023 các tỉnh phía Bắc vẫn là một năm đạt được các kế hoạch về năng suất, sản lượng và giá trị do mở rộng diện tích lúa chất lượng. Diện tích gieo cấy lúa chất lượng tại các tỉnh phía Bắc đạt khoảng 1,2 triệu ha, tăng khoảng 20.000 ha so với năm trước. Tổng sản lượng lúa toàn miền Bắc năm 2023 ước đạt 13,1 triệu tấn lúa, tăng 84.000 tấn so với năm 2022.
Năng suất lúa năm 2023 trung bình đạt 58,4 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với năm trước. Cùng với đó, diện tích ngô khoảng 577.000 ha, sản lượng 2,6 triệu tấn, tăng 75.000 tấn; diện tích sắn 173.000 ha, sản lượng 2,7 triệu tấn củ tươi, tăng khoảng 276.000 tấn; diện tích rau màu khoảng 470.000ha, cho sản lượng 8,2 triệu tấn…
Tại hội nghị, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, dự báo năm 2024, nền nhiệt độ có xu hướng cao hơn 0,5-1,5 độ so với trung bình nhiều năm, dự báo 1 mùa đông xuân ấm và ẩm. Nắng nóng xuất hiện sớm và nhiều đợt gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Mùa mưa bão đến muộn hơn.
Theo kế hoạch, năm 2024, các tỉnh phía Bắc gieo cấy khoảng 2,2 triệu ha lúa, giảm khoảng 18.000 ha, năng suất phấn đấu 58,6 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm trước và sản lượng ước khoảng 13,05 triệu tấn. Cùng với đó, gieo trồng khoảng 585.000 ha ngô, tăng khoảng 8.000 ha so với năm 2023 với sản lượng khoảng 2,7 triệu tấn; trồng 173.000 ha sắn, tăng khoảng 17.000 ha so với năm 2023; trồng 481.000 ha rau các loại, tăng 11.000 ha… Các loại khoai lang, đậu tương, cây lạc đều chủ trương mở rộng diện tích gieo trồng và nâng cao năng suất, sản lượng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung khẳng định để bảo đảm thực hiện thắng lợi sản xuất năm 2024, các địa phương cần bám sát kế hoạch sản xuất Bộ đã ban hành để xây dựng kế hoạch cụ thể. Đồng thời, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thời tiết đã được dự báo, chủ động các giải pháp để bảo đảm nguồn nước tưới cho sản xuất. Về công tác bảo vệ thực vật, cần làm tốt dự tính, dự báo, điều tra và phát hiện kịp thời để xử lý hiệu quả nhằm bảo vệ sản xuất.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, các địa phương cần tăng cường quản lý giống cây trồng và vật tư nông nghiệp bởi nếu để nông dân dùng giống không rõ nguồn gốc thì sẽ dẫn đến những hệ lụy rất khó lường. Các địa phương cần phối hợp với các Cục, Vụ, Viện tích cực hướng dẫn các địa phương triển khai các mô hình sản xuất năng suất, chất lượng, tiết kiệm chi phí đầu vào.
Thứ trưởng cũng cho biết ngành trồng trọt đã xây dựng và trình Chính phủ chiến lược ngành trồng trọt và hiện nay đang triển khai 8 đề án của ngành, như: đề án cây ăn quả chủ lực; đề án phát triển các vùng rau tập trung, an toàn; đề án cây công nghiệp chủ lực… đề nghị các địa phương triển khai phù hợp điều kiện thực tế. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bảo đảm nước tưới cho sản xuất; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ tiến bộ khoa học kỹ thuât cho các địa phương; Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn các địa phương về kiểm tra quản lý các mã số vùng trồng xuất khẩu…
Trước đó, chiều 28/11, đoàn đại biểu đã tham quan các vùng trồng cà rốt (huyện Cẩm Giàng) và vùng hành, tỏi (thị xã Kinh Môn). Các đại biểu đều ấn tượng với sản xuất vụ Đông và khâu tổ chức sản xuất hàng hóa của tỉnh Hải Dương. Hải Dương được đánh giá là tỉnh đứng đầu trong Đồng bằng sông Hồng về xây dựng các vùng sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn. Một số nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn mỗi mặt hàng như: cà rốt, chuối, vải.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, sự đầu tư, hỗ trợ tích cực của Trung ương và sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của các doanh nghiệp và người dân nên ngành nông nghiệp tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh tăng 4,45% so với năm trước. Tỉnh Hải Dương có 108.300 ha lúa, năng suất trung bình 63,2 tạ/ha, sản lượng 685.000 tấn lúa/năm; trong đó, khoảng 10% bán ra ngoài tỉnh. Diện tích lúa hữu cơ tăng mạnh. Rau màu của Hải Dương khoảng 41.700 ha, cho sản lượng 850.000 tấn. Khoảng 70% sản lượng rau màu được tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất khẩu. Giá trị sản xuất cây vụ Đông Hải Dương đạt 223,5 triệu đồng/ha, cao gấp 2,2 lần các tỉnh phía Bắc. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của Hải Dương đạt 196 triệu đồng/ha. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh đạt 14,5%...
Nhân dịp này, Hải Dương đã trưng bày, giới thiệu các mô hình sản xuất vụ Đông tiêu biểu, sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề tiêu biểu của tỉnh. Một số doanh nghiệp trưng bày thiết bị, máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.