Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần quan tâm xây dựng và phát triển sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn; đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo chiều sâu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ đó mở rộng xuất khẩu gạo sang các thị trường "khó tính".
Theo ông Huỳnh Trung Trứ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay chủ yếu xuất thông qua các hợp đồng thương mại. Đối với các thị trường mới như Mỹ và Trung Quốc hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, đối với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường này bởi còn vướng mắc hàng rào kỹ thuật.
Thu hoạch lúa tại Nông trường Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gạo vừa qua chiếm tỷ trọng đến 35% trong thị trường châu Á. Tuy nhiên, năm nay dự kiến gặp nhiều khó khăn bởi vừa qua, trong số 23 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Cần Thơ chỉ có 4 doanh nghiệp (trong tổng số 22 doanh nghiệp của Việt Nam) được Trung Quốc cấp chứng nhận đảm bảo các điều kiện về nguồn nguyên liệu, nhà máy, chế biến để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Chính vì vậy, để tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, theo Sở Công Thương thành phố, các doanh nghiệp còn lại buộc phải xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, xuất khẩu qua ủy thác các doanh nghiệp khác... Cách làm này chỉ giúp Cần Thơ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn nhưng không giúp tăng nguồn thu ngoại tệ và tỷ lệ rủi ro cao...
Ngay đối với thị trường Nhật Bản, mỗi năm cần nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Cần Thơ vẫn chưa xuất khẩu gạo được vào thị trường này. Bởi các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngành công thương Cần Thơ tiếp tục kết nối doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu gạo sang Nhật Bản, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp nâng chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, các ngành và địa phương vận động nông dân thực hiện nghiêm hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
Một thực trạng nữa được ngành công thương chỉ ra là từ đầu năm đến nay, nhiều nông dân sau khi thu hoạch không bán lúa cho doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng, hoặc chỉ bán một phần sản lượng lúa khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
Ngoài ra, tình trạng doanh nghiệp không đảm bảo nguồn vốn để đầu tư giống, vật tư cho nông dân ngay từ đầu vẫn xảy ra. Phần lớn doanh nghiệp chỉ đặt hàng thu mua nguyên liệu nên dễ dẫn tới việc phá vỡ hợp đồng. Thậm chí, nhiều người dân bán lúa cho doanh nghiệp phải chờ để lấy tiền do một số doanh nghiệp nhỏ khó khăn về vốn trong khi bán cho thương lái thu mua lại trả tiền ngay...
Theo Sở Công Thương Cần Thơ, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có mức tăng nhẹ cả về số lượng và giá trị. Toàn thành phố xuất khẩu 92.500 tấn gạo, tăng 6,08% so với cùng kỳ.