Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Hợp tác xã Tân Huy Hoàng, phường 2, thành phố Bạc Liêu, dù hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ đối với sản phẩm tôm khô. Chị Nguyễn Thị Kim Nên, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Tân Huy Hoàng cho biết, sở dĩ năm nay nhu cầu tăng cao là do sản phẩm tôm khô của đơn vị đã khẳng định được chất lượng nhiều năm qua; đồng thời được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Chất lượng đảm bảo, bao bì đẹp nên sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở tung ra thị trường từ 200 – 300 kg tôm khô phục vụ khách trong và ngoài tỉnh. Theo chị Nên, so với năm trước, nhu cầu tiêu dùng năm nay tăng cao hơn 1,5 lần, giá cả cũng tương đối ổn định.
Tương tự, cơ sở sản xuất Nông sản Việt của chị Tạ Tuyết Thu (xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long) hiện có 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận OCOP; trong đó có 13 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao. Hơn 10 năm qua, chị Thu tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, làm ra nhiều sản phẩm OCOP như tôm đất khô, khô cá kèo, tôm thẻ ép 1 nắng… Các sản phẩm ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, bởi chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lí.
Chị Thu chia sẻ, từ đầu tháng tháng 10 âm lịch đến nay, trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất 300 kg khô các loại, cùng đó là nhiều loại khô cá phi, cá sặc bổi, bánh phồng tôm, bánh phồng trái cây, bánh gạo… Đơn hàng ngày càng nhiều, cơ sở phải tăng cường thêm nhân công và tăng công suất hoạt động mới có thể cung ứng đủ cho khách lấy sỉ và bán lẻ.
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cơ sở Nông sản Việt còn tổ chức đóng gói sản phẩm thành những túi quà, giỏ quà vừa đẹp mắt vừa phù hợp với thu nhập của phần đông người tiêu dùng trong việc trao tặng quà cho nhau ngày Tết. Việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm dưới dạng hình thức quà tặng không chỉ đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng mà là cơ hội để quảng bá những sản phẩm đặc trưng của cơ sở, tạo sức cạnh tranh mới đối với giỏ quà tết của các nhãn hàng truyền thống.
Những năm gần đây, cùng với các loại khô đặc sản miền biển, người dân Bạc Liêu còn tặng tổ yến cho nhau khi xuân về Tết đến. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều cơ sở nuôi yến trên địa bàn đã xây dựng sản phẩm OCOP từ yến, chủ yếu là tổ yến sơ chế sấy khô và yến hũ chưng sẵn.
Anh Tăng Quốc Khánh, chủ cơ sở Yến sào Ninh Bình (phường 2, thành phố Bạc Liêu) cho biết, với sản phẩm tổ yến sơ chế sấy khô, sức tiêu thụ của cơ sở tăng đến 100% trong 2 tháng trở lại đây. Nhu cầu tiêu thụ tăng là do người dân mua để làm quà Tết vì sản phẩm vừa sang, giá cả hợp lí, (từ 2,5 – 3 triệu đồng/100 gam) phù hợp với thu nhập của nhiều gia đình.
Ông Đặng Minh Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Các sản phẩm OCOP ngày càng nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trung bình các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận, lượng hàng hóa tiêu thụ gia tăng bình quân từ 10-20% so với trước.
Để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm OCOP thời gian tới, Bạc Liêu sẽ hỗ trợ chủ thể đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại thông qua tổ chức hội chợ cấp tỉnh; tham gia hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế; xây dựng và hình thành chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu.
Cùng đó, hỗ trợ chủ thể kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện về sản phẩm; hỗ trợ đầu tư nâng cấp trang thiết bị, áp dụng sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.