Điểm nghẽn
Sau 4 năm thi công, trong số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 mới chỉ có đoạn Cao Bồ - Mai Sơn hoàn thành, 4 dự án chậm tiến độ do mưa lũ, dịch bệnh, thiếu vật liệu, chậm ký hợp đồng tín dụng... và 6 dự án đang triển khai.
Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 từ tháng 11/2017, với nhu cầu vốn 118.716 tỷ đồng và đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên thực tế, đến tháng 9/2019, dự án đầu tiên của tuyến cao tốc là đoạn Cam Lộ - La Sơn mới được khởi công. Quá trình xúc tiến đầu tư 8 dự án theo phương thức PPP thất bại. Bộ GTVT tốn nhiều thời gian chuyển 5 dự án sang phương thức đầu tư công... Kết quả, không có dự án nào trong số 11 dự án thành phần đạt được thời hạn hoàn thành vào năm 2021. Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn khánh thành ngày 4/2/2022 là dự án đầu tiên và duy nhất đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác.
Năm 2022, Quốc hội giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT đầu tư thêm 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trong khi 10 dự án cao tốc Bắc Nam của giai đoạn 2017 – 2020 vẫn đang tồn đọng hàng loạt vấn đề như thiếu mỏ vật liệu thi công, chậm tiến độ vì thiên tai, dịch bệnh, chậm ký hợp đồng tín dụng... Trong số 10 dự án này, Bộ GTVT thống kê 4 dự án có thể cán đích trong năm 2022 và 6 dự án phải lùi mốc tiến độ đến năm 2023 - 2024.
Theo rà soát của Bộ GTVT, 4/10 dự án thành phần đang chậm tiến độ. Cụ thể, dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt (dài 49,3 km, nối Nghệ An - Hà Tĩnh) được đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, khởi công ngày 22/5/2021, hạn hoàn thành tháng 5/2024. Dự án đang chậm so với kế hoạch hơn 7% giá trị hợp đồng. Nguyên nhân chậm tiến độ là nhà đầu tư dự án chậm ký được hợp đồng tín dụng, chậm lựa chọn nhà thầu và chưa quyết liệt huy động thiết bị, xe máy, nhân lực triển khai thi công...
Hai đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công tháng 9/2020, hạn hoàn thành tháng 12/2022 năm nay, nhưng tiến độ thực hiện 2 dự án đang chậm từ 3 - 3,5 tháng so với kế hoạch. Bộ GTVT đánh giá việc chậm tiến độ 2 dự án do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường. Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đã tháo gỡ xong vướng mắc về vật liệu, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dự kiến đến hết tháng 3/2022 tháo gỡ xong. Riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn (dài 98,3 km nối Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế) được khởi công tháng 9/2019, sớm nhất trong số 11 dự án thành phần, nhưng đang phải lùi tiến độ từ 4 - 8 tháng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.
Việc chậm tiến độ các dự án theo Bộ GTVT là do ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, chậm giải phóng mặt bằng các đoạn xử lý nền đất yếu, cộng với tình hình mưa lũ lịch trong 2 năm qua, khiến các dự án bị dừng thi công nhiều tháng. Ngoài ra, việc thiếu hụt tổng cộng gần 13 triệu m3 đất đắp, cũng khiến các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án mất nhiều thời gian huy động, tìm kiếm nguồn bổ sung từ đầu năm đến nay...
Tháo gỡ
Tại các buổi kiểm tra hiện trường các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 – 2020 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT rà soát thời gian triển khai toàn bộ dự án cao tốc và đặt mục tiêu mỗi dự án phải rút ngắn tiến độ ít nhất 3 tháng.
Sau khi các Ban Quản lý dự án giao thông, chủ đầu tư rà soát, Bộ GTVT xác định đối với dự án có hạn hoàn thành trong năm 2023 và năm 2024, việc rút ngắn tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là có thể thực hiện được. Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tập trung tăng ca, tăng kíp thi công, kết hợp điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu để đẩy nhanh tiến độ.
Với các đoạn có yêu cầu tiến độ hoàn thành trong năm 2022 như: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT cho rằng, việc rút ngắn tiến độ 3 tháng không dễ vì thời gian thực hiện không còn nhiều. Tuy nhiên, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư tăng tốc xử lý nền đất yếu đều đã thi công và huy động mọi nguồn lực theo giải pháp thiết kế được duyệt tại hiện trường.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương có dự án đi qua và các nhà thầu, đơn vị thi công quyết liệt hơn, tăng cường thiết bị, nhân lực, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về vật liệu, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, không dồn việc để gây phát sinh tồn tại vào cuối năm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và xử lý nghiêm các dự án thành phần nếu vi phạm tiến độ. Các Ban Quản lý xây dựng, nhà thầu xây dựng, đơn vị tư vấn, giám sát phải huy động tối đa phương tiện, nhân lực, chạy đua với thời gian, kiểm soát tiến độ chặt chẽ, đảm bảo chất lượng.