Rút ngắn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới

Tại cuộc phỏng vấn trực tuyến giữa Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) Lê Hùng Dũng với độc giả Báo điện tử VnExpress chiều 4/3, nhiều câu hỏi của người dân đã bày tỏ sự băn khoăn về chính sách quản lý, ổn định thị trường vàng, đặc biệt rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.


NHNN sẵn sàng tăng nguồn cung để can thiệp nhằm rút ngắn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.



Trả lời vấn đề này, ông Lê Minh Hưng khẳng định: Nguồn cung vàng miếng SJC dự kiến sẽ được tung ra nhiều hơn trong thời gian tới khi vàng tạm xuất, tái nhập được chuyển thành vàng SJC; cộng thêm lượng vàng NHNN sẽ bán ra vào các phiên đấu thầu vàng miếng thì nguồn cung vàng sẽ tăng đáng kể. Khi nguồn cung tăng lên thì giá vàng trong nước sẽ hạ nhiệt.


Giá vàng chỉ “dậy sóng” tạm thời


Trước việc NHNN tuyên bố sẵn sàng tăng nguồn cung để can thiệp, thị trường vàng trong nước đã có nhiều tín hiệu tích cực. Cuối tháng 2 vừa qua, thị trường vàng đã có nhiều phiên giảm giá mạnh, thậm chí đi ngược chiều tăng của giá thế giới. Trong phiên giao dịch ngày 28/2, giá vàng đã rơi xuống dưới 43 triệu đồng/lượng - mức thấp nhất trong vòng 12 tháng qua, qua đó khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp gần 3 triệu đồng/lượng.


Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 3/2013, giá vàng lại có dấu hiệu tăng và đi ngược chiều giảm của giá thế giới. Giá vàng SJC ngày 4/3 lại lên mức 43,75 triệu đồng/lượng, kéo rộng khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới từ mức 3 triệu đồng/lượng (của cách đây 1 tuần) lên tới 3,7 triệu đồng/lượng... Mức chênh lệch này thấp hơn với mức kỷ lục 5 triệu đồng/lượng nhưng đã khiến một số người hoài nghi về tuyên bố rút ngắn khoảng cách giá vàng trong nước với quốc tế của lãnh đạo SJC.


Trước băn khoăn này, đại diện NHNN giải thích: Do nhu cầu mua vào của người dân tăng, thêm vào đó, các tổ chức tín dụng đang tiếp tục thực hiện việc tất toán tài khoản vàng theo quy định của NHNN. Vì vậy, dù nguồn cung vàng tăng, nhưng chưa thực sự đáp ứng đủ cầu.


“Thời gian qua, các ngân hàng đã phải thực hiện chủ trương tất toán trạng thái vàng nên phải mua vàng vào. Đây là một trong những lý do chính làm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao. Vừa qua, NHNN kiên quyết thực hiện các chính sách cần thiết để yêu cầu ngân hàng thương mại chấm dứt các hoạt động nhiều rủi ro như huy động, cho vay bằng vàng và các hoạt động kinh doanh vàng rủi ro khác. Vì vậy, các ngân hàng đã phải đẩy mạnh mua vàng để bù đắp cho các khoản huy động bằng vàng trước đây. Đây là lý do chủ yếu khiến chênh lệch giá vàng tăng cao”, ông Lê Minh Hưng giải thích.


Tuy nhiên, đại diện NHNN và Công ty SJC cũng khẳng định: Nếu chênh lệch giá quá lớn thì NHNN tung vàng dự trữ ra để bán nhằm điều tiết giá vàng. “Hiện nay chủ yếu là do thị trường tự điều tiết nên mức giá phải có chênh lệch như vậy. Thời gian tới, khi NHNN thực hiện can thiệp thị trường; đồng thời SJC gia công thì nguồn vàng lớn sẽ được tung ra thị trường thì giá trong nước sẽ về sát thế giới”, ông Dũng khẳng định.


Ông Lê Hùng Dũng cho biết thêm: “Sau khi ký hợp đồng với NHNN thì SJC cũng cần có thời gian để gia công nhằm đưa vàng miếng ra thị trường. SJC có khả năng gia công 80.000 lượng vàng (tương đương 3 tấn vàng) một ngày. Do đó, nếu có đủ lượng vàng nguyên liệu, trong 10 ngày, SJC có thể tung ra thị trường khoảng 30 tấn vàng miếng SJC (tương đương 37.000 tỷ đồng). Với số lượng này, cung sẽ vượt cầu và sẽ kéo giá trong nước sát với thế giới.


Sẽ can thiệp để bình ổn thị trường


Cùng với việc thiết lập hệ thống mạng lưới kinh doanh vàng miếng; NHNN đã ký kết Hợp đồng gia công vàng với Công ty SJC (từ nguồn vàng nguyên liệu của NHNN) nhằm chuẩn bị sẵn nguồn vàng miếng để can thiệp thị trường khi cần thiết. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã xây dựng và hoàn chỉnh Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc mua bán vàng miếng của NHNN trên thị trường trong nước. Điều đó cho thấy, NHNN không chỉ đưa ra cơ chế, chính sách mà có những công cụ cần thiết để thực thi chính sách. Cũng có ý kiến cho rằng, như vậy là NHNN sẽ tham gia “kinh doanh” vàng? “Điều này là không đúng”, lãnh đạo NHNN khẳng định. Theo đó, NHNN chỉ tham gia thị trường với vai trò kiến tạo, người bán cuối cùng, nhằm ổn định thị trường, chứ không phải kinh doanh kiếm lời.


Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định: Với vai trò người mua bán cuối cùng trên thị trường, trong điều kiện thị trường biến động, NHNN sẽ thực hiện cơ chế can thiệp để bình ổn, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Chẳng hạn, thực hiện cơ chế đấu thầu bán vàng miếng, NHNN có thể tổ chức thành nhiều đợt, nhiều phiên - tùy theo diễn biến thị trường cũng như mục tiêu can thiệp trong từng thời kỳ.



M.phương - N.Hoàng - H.Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN