Xử lý vấn đề báo chí phản ánh về diện tích rừng ở Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk bị suy giảm nghiêm trọng theo ý kiến chỉ đạo ngày 15/2/2015 của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, ngày 6/4/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Báo cáo số 2764 về “Biến động diện tích và trữ lượng rừng các tỉnh Tây Nguyên”.
Phát triển nóng diện tích trồng cao suBáo cáo nêu rõ: Thực hiện Quyết định 594 ngày 15/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Dự án. Năm 2013-2014, Dự án triển khai thực hiện và hoàn thành trên địa bàn 13 tỉnh (5 tỉnh Tây Nguyên và 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long).
Hàng trăm cây gỗ quý như gáo vàng, bình linh, dổi,… có đường kính gốc từ 60cm đến hơn 1 mét đang bị khai thác, chặt phá, vận chuyển, buôn bán trái phép ở khu rừng giáp ranh giữa xã Cư K'lông, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) và xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa (Gia Lai). Ảnh: Dương Giang – TTXVN |
Kết quả điều tra, kiểm kê rừng ở 5 tỉnh Tây Nguyên: Tổng diện tích sau kiểm kê 2.567.116 ha, trong đó rừng tự nhiên 2.253.809 ha, rừng trồng 313.307 ha. Tổng trữ lượng gỗ rừng hơn 302 triệu m3. So với kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng năm 2008 theo Chỉ thị số 38/2005 của Thủ tướng Chính phủ thì diện tích rừng giảm 358.797 ha, còn diện tích rừng trồng tăng 131.019 ha.
Nguyên nhân diện tích rừng giảm 358.797 ha, trước hết là do chuyển rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy hoạch của địa phương, như xây dựng công trình thủy điện, hạ tầng giao thông, công trình công cộng...
Việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp cũng là một nguyên nhân làm giảm diện tích rừng. Tiếp theo là việc khai thác gỗ rừng trồng theo chu kỳ kinh doanh rừng nhưng chưa trồng lại rừng. Rồi cháy rừng, sạt lở đất, rừng tự nhiên diễn thế tự nhiên không thành rừng, trồng rừng bị suy thoái...
Người dân làng Hợp, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai trồng rừng trên vùng đất trống đồi trọc. Ảnh: Văn Thông – TTXVN |
Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, theo kết quả kiểm kê năm 2014 có tổng diện tích rừng 528.145 ha. Trong vòng 6 năm (2008-2014), tổng diện tích rừng của Đắk Lắk trong đó toàn bộ là rừng tự nhiên giảm 86.239 ha, diện tích rừng trồng mới tăng 33.982 ha.
Diện tích rừng của Đắk Lắk suy giảm là do chuyển rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả do xây dựng công trình thủy điện, hạ tầng giao thông, công trình công cộng; do phá rừng, lấn chiếm đất rừng...
Báo cáo khẳng định, do phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nên việc triển khai thực hiện các dự án chuyển đổi rừng, nhất là dự án chuyển đổi trồng cao su là nguyên nhân cơ bản làm giảm 128.523 ha rừng, chiếm tới 35,8% tổng diện tích bị giảm. Điều này chứng tỏ chính quyển các cấp ở một số địa phương chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiều dự án chưa đảm bảo theo đúng quy định của nhà nước về quy hoạch, đánh giá tác động môi trường; trình tự và thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, tổ chức tận thu, tận dụng gỗ ở một số dự án cũng vướng mắc về thủ tục nên dẫn đến lãng phí tài nguyên.
Thậm chí ở một số nơi còn “lách luật” giao dự án (các dự án thường được chia nhỏ dưới 1.000 ha, cho dù trong các vùng chuyển đổi có quy mô hàng nghìn ha); hoặc tự giao cho một số doanh nghiệp khảo sát, lập dự án chuyển đổi dẫn đến tạo kẽ hở trong quản lý. Theo quy định của pháp luật, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế, nhưng thực tế hầu hết khi phê duyệt cũng như thực hiện các dự án các địa phương đã thực hiện chậm quy định này.
Chưa thực hiện tốt công tác đền bù Một số chủ dự án không thực hiện tốt công tác đền bù đã gây tình trạng tranh chấp, khiếu kiện. Một số dự án vi phạm quy định về quản lý đất đai phải xử lý thu hồi, hoặc đình chỉ thực hiện. Tình trạng lợi dụng chuyển đổi rừng để phá rừng, khai thác lâm sản trái phép còn xảy ra nghiêm trọng ở một số dự án phải xử lý. Chưa kể một số chủ dự án thiếu năng lực tài chính, thiếu nhân lực lao động cũng tham gia thực hiện dự án...
Mặc dù trong quá trình chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, các đơn vị (Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm nay là Tổng cục Lâm nghiệp) đã chủ động chỉ đạo, điều chỉnh những nội dung phát sinh phù hợp với quy định hiện hành; kịp thời phát hiện, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc chuyển đổi diện tích lâm nghiệp có rừng phù hợp. Tuy vậy, việc tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn chậm, nhiều văn bản điều chỉnh nên địa phương gặp phải một số khó khăn và lúng túng trong quá trình thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời.
Bên cạnh đó là nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp. Thêm vào đó là việc quản đất đai chưa hiệu quả, không xử lý được các đầu nậu thuê người phá rừng và đối tượng mua bán, tích tụ đất đai trái pháp luật. Đây là do chính quyền các cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, thiếu cương quyết chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng thường xuyên, đồng bộ. Đặc biệt, UBND xã nhiều khi làm ngơ hoặc có biểu hiện tiếp tay hay trực tiếp tham gia phá rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng trái pháp luật.
Việc quản lý dân di cư tự do của chính quyền cả nơi dân đi và nơi dân đến chưa kiên quyết và triệt để. Mặc dù tình hình dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên đã giảm, nhưng diễn biến phức tạp, hiện vẫn còn nhiều hộ di cư sống phân tán, không theo quy hoạch, chưa được bố trí, sắp xếp ổn định vào vùng quy hoạch.
Phát triển các cơ sở chế biến gỗ thiếu quy hoạch; quản lý chế biến, tụ điểm mua bán gỗ kém hiệu quả. Việc cấp phép kinh doanh thiếu quy hoạch, không gắn với nguồn nguyên liệu, đặc biệt là những xưởng chế biến gần rừng đã tạo cơ hội cho việc chế biến tiêu thụ gỗ bất hợp pháp.
Nguyên do là nhiều chủ dự án thiếu năng lực tài chính thực hiện dự án được duyệt, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng được giao. Lực lượng Kiểm lâm địa phương chưa thể hiện được đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Thiếu các hoạt động kiểm tra, giám sát, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh. Một bộ phận cán bộ Kiểm lâm có những biểu hiện tiêu cực gây bức xúc trong xã hội.
Văn Hào