Rau xanh và hoa quả là các mặt hàng tăng giá mạnh nhất ở Thừa Thiên - Huế vào ngày 8/2 (tức 28 tháng Chập Âm lịch). Tại các chợ ở thành phố Huế như Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu… giá rau muống, từ 5.000 đồng/bó vọt lên 10.000-12.000 đồng/bó, cải 15.000 đồng/bó. Các loại củ quả cũng tăng cao, cà chua từ khoảng 20.000 đồng/kg…
Khách chọn mua hàng Tết tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Nếu là củ quả dùng để cúng thì đắt gấp nhiều lần, chuối có giá 50.000-70.000/nải, mảng cầu khoảng 25.000 đồng/quả. Trong khi đó, giá các loại thực phẩm đều cùng tăng giá thêm từ 10.000-30.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt heo lên 140.000 đồng/kg, thịt bò lên 230.000 - 250.000 đồng/kg.
Riêng hoa tươi ở Thừa Thiên - Huế năm nay thời tiết thuận lợi nên dễ mua, dễ bán, càng gần Tết giá cả có chiều hướng giảm, nhất là hoa cúc vàng, giảm khoảng 40.000 - 60.000 đồng/chậu. Đắt nhất là mai vàng và phong lan; riêng mai vàng xứ Huế có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây.
Tuy nhiên, thị trường hàng hoá các loại ở Thừa Thiên - Huế không có đột biến xảy ra. Theo báo cáo của các ngành, các địa phương, cho đến thời điểm này, thời tiết thuận lợi trong những ngày giáp tết tạo điều kiện cho người dân làm ăn buôn bán và đón Tết vui tươi, an lành.
* Những ngày giáp Tết, giá bưởi da xanh – đặc sản của Bến Tre, thu mua tại vườn từ 50.000 – 53.000 đồng/kg, tăng 70 – 80% so với năm ngoái. Đây là giá bưởi cao nhất từ trước đến nay mà người trồng bưởi bán được tại vườn.
Giá bưởi tăng mạnh trong dịp Tết là do sản lượng giảm (bưởi bị sâu hại làm trái non rụng nhiều) và cũng do bưởi là một trong những loại quả được chưng trên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết. Dù sản lượng giảm mạnh nhưng cơ sở Hương Miền Tây, xã Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc), vẫn cố gắng đưa ra thị trường Tết năm nay khoảng 100 tấn bưởi da xanh, giảm 2/3 so với Tết năm ngoái.
Cùng với bưởi da xanh đặc sản, dừa Bến Tre dịp Tết này cũng tăng giá mạnh. Dừa lấy cơm từ 36.000 đồng/chục tăng lên 45.000 đồng/chục; dừa uống nước tăng mạnh hơn, từ 45.000 đồng/chục tăng lên 55.000 đồng/chục, mua tại vườn. Nếu đem ra chợ cầu Bà Mụ, phường Phú Khương ( thành phố Bến Tre), được người bán lẻ thu mua tới 75.000 đồng/chục với dừa uống nước (chục = 12 trái ). Dừa tăng giá có nguyên nhân do nước dừa được người dân Nam Bộ sử dụng trong món thịt heo kho tàu – món ăn mà bất cứ gia đình nào cũng có trong ngày Tết. Mặt khác, do thời tiết trong những ngày qua nắng gắt nên dừa uống nước được tiêu thụ mạnh. Ngoài ra còn có nguyên nhân dừa là một trong năm loại quả trong mâm ngũ quả chưng trong ngày Tết của người dân Nam bộ.
* Nhà vườn trồng vú sữa ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) rất phấn khởi bởi trong dịp Tết Quý Tỵ 2013 này, vú sữa vừa trúng mùa vừa được giá, lợi nhuận trung bình lên tới hàng trăm triệu đồng/hecta.
Thông thường, vú sữa tại Kế Sách thường được thu hoạch sau Tết Nguyên đán, nhưng năm nay, theo âm lịch thì nhuận thêm một tháng nên thời điểm thu hoạch chính vụ vú sữa rơi ngay vào dịp Tết. Nhiều nông dân chuyên trồng vú sữa ở huyện Kế Sách cho biết: Năng suất vú sữa trung bình từ 6-8 tấn/hecta. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân thu lãi từ trăm triệu đồng trở lên (tùy theo kỹ thuật chăm sóc và chất lượng của vườn vú sữa). Theo ông Nguyễn Văn Hòa, một thương lái đến từ Đồng Tháp cho biết, vú sữa có màu sắc bóng đẹp hiện được mua với giá 13.000 đồng/kg (cao hơn năm rồi 5.000 đồng/kg), vú sữa thường, không bị sâu được thu mua với giá 8.000 đồng/kg (cao hơn năm rồi 3.000 đồng/kg).
Vú sữa tại Kế Sách thường được nông dân trồng xem trồng vườn với các loại cây trồng khác như sầu riêng, bưởi, nhãn... Đến nay, nông dân vẫn cho vú sữa thuận trái theo tự nhiên, chứ không khiển cây nghịch vụ. Vú sữa nghịch mùa dù có giá bán cao nhưng số lượng trái không nhiều, trái thường bị sượng nên làm giảm giá trị thương phẩm nên ít nhà vườn nghĩ tới chuyện tạo trái mùa nghịch.
* Những ngày áp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, nhịp độ mua sắm các mặt hàng truyền thống thiết yếu trên địa bàn Nghệ An khá sôi động, sức mua tăng 15-30% so với ngày thường. Lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị hay các chợ truyền thống tăng dần.
Tại các hệ thống diêu thị lớn trên địa bàn Nghệ An như BigC, Metro, Macximax, Intimex… không khí mua sắm nhộn nhịp hẳn lên vì sức mua bắt đầu tăng mạnh. Theo các nhà bán lẻ, đây là giai đoạn bước vào cao điểm mua sắm trong dịp Tết. Chị Phan Thu Hoài, nhân viên bán hàng Siêu thị BigC Vinh chia sẻ: Khoảng gần 1 tuần nay, siêu thị luôn trong tình trạng quá tải, khách đến mua hàng tấp nập, chúng tôi đã tăng hết công suất quầy thanh toán nhưng khách vẫn phải xếp hàng để chờ. Nhóm hàng có sức mua tăng mạnh nhất là bánh kẹo, hàng lương thực, thực phẩm.
Trước Tết 1 tháng, các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại hàng hoá như bánh mứt, kẹo, hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng, may mặc… đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết tương đương khoảng 100 tỷ đồng.
Nhóm PV